Hy Lạp cam kết thanh toán nợ cho EU và IMF chừng nào có thể

Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis khẳng định Hy Lạp sẽ thanh toán nợ cho Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chừng nào có thể.
Hy Lạp cam kết thanh toán nợ cho EU và IMF chừng nào có thể ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (trái) và Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem trước cuộc họp ngày 11/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

"Hy Lạp sẽ thanh toán nợ cho Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chừng nào có thể." Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis khẳng định với báo giới như vậy trong ngày 25/5.

Ông Sakellaridis nói rõ trong chừng mực có thể, Hy Lạp sẽ thực hiện các cam kết về nợ; khẳng định Athens có trách nhiệm thực hiện mọi cam kết về nợ song các chủ nợ cũng phải thực hiện cam kết cho vay.

Ông Sakellaridis cho biết EU và Hy Lạp sẽ nối lại đàm phán về cải cách trong ngày hôm nay (26/5); thừa nhận hai vên vẫn bất đồng về vấn đề thuế, bảo hiểm xã hội, quyền của người lao động và mức độ thặng dư ngân sách; song tiết lộ mục tiêu của Athens là đạt một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi muộn nhất vào cuối tháng 6 tới.

Ông bác bỏ thông tin nói rằng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đề nghị Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew thuyết phục IMF gộp cả 4 khoản nợ đáo hạn trong tháng 6 để Athens thanh toán vào cuối tháng này; cũng như những đồn đoán về việc Hy Lạp có thể thực hiện biện pháp kiểm soát vốn, tức hạn chế rút tiền.

Ông Sakellaridis đưa ra thông báo trên trong bối cảnh Hy Lạp đang đứng trước khoản nợ 300 triệu euro đáo hạn trong tuần tới trong khi Bộ trưởng Nội vụ nước này Nikos Voutsis ngày 24/5 tuyên bố Athens không còn tiền để thanh toán cho IMF khoản nợ đáo hạn ngày 5/6 và các khoản nợ lên tới 1,6 tỷ USD đáo hạn cùng tháng.

Chính phủ Hy Lạp liên tục gặp bế tắc trong các cuộc đàm phán kéo dài 4 tháng qua với các chủ nợ gồm IMF, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về giải ngân 7,2 tỷ euro (8 tỷ USD) cuối cùng trong chương trình cứu trợ 240 tỷ euro mà IMF và EU dành cho Hy Lạp năm 2010.

Athens cho đến nay vẫn phản đối những cải cách mà các chủ nợ yêu cầu thực hiện để nhận được phần cứu trợ cuối cùng trong khi lịch thanh toán nợ dày đặc đang khiến việc giải ngân số tiền này trở thành nhu cầu cấp bách.

Trong khi đó, nhà kinh tế hàng đầu làm việc cho IMF Olivier Blanchard cho rằng những cải cách về ngân sách mà Hy Lạp đề xuất với các chủ nợ không đủ để đảm bảo thặng dư ngân sách trong năm nay.

Báo Pháp Les Echos dẫn lời ông Blanchard nói rằng Hy Lạp được cho là đạt thặng dư ngân sách 3% trong năm 2015, nhưng triển vọng này hiện nằm ngoài tầm với. Ông nhấn mạnh những ước tính mới đây nhất cho thấy nguy cơ thâm hụt thực sự, vì vậy, Hy Lạp cần thực hiện những biện pháp đáng tin cậy để đạt thặng dư ngân sách và duy trì đà thặng dư trong tương lai.

Hy Lạp đang chìm trong nợ nần nhưng vẫn trụ được nhờ sử dụng nguồn dự trữ từ các thể chế công và một khoản cứu trợ khẩn cấp từ IMF. Ngày 25/5, Bộ Tài chính nước này thông báo thu nhập từ thuế giảm 884 triệu euro trong quý đầu năm nay.

Người đứng đầu bộ này Yanis Varoufakis khẳng định Athens không thể và sẽ không chấp nhận yêu cầu của các chủ nợ buộc Hy Lạp "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa trong và sau năm nay, coi đó là "một liệu pháp chữa bệnh tồi tệ hơn căn bệnh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục