Hy Lạp cần thêm hỗ trợ tài chính để vượt suy thoái

Chủ tịch Eurogroup khẳng định rằng Hy Lạp sẽ phải cần nhiều hơn nữa các khoản hỗ trợ tài chính mới có thể thoát khỏi cuộc suy thoái.
Theo mạng tin Ctvnews.ca, Chủ tịch nhóm Bộ trưởng tài chính châu Âu (Eurogroup), Jeroen Dijsselbloem khẳng định rằng Hy Lạp sẽ phải cần nhiều hơn nữa các khoản hỗ trợ tài chính kể từ năm 2014, ngoài các chương trình cho vay giải cứu hiện tại, mới có khả năng thoát khỏi một cuộc suy thoái nghiêm trọng đang diễn ra tại đất nước này.

Phát biểu trước các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu ngày 5/9, ông Jeroen Dijsselbloem - hiện là Bộ trưởng Tài chính Hà Lan - cho biết mặc dù Hy Lạp đã đạt được một số tiến bộ trong thời gian gần đây, nhưng rõ ràng rằng vấn đề của nước này sẽ không thể được giải quyết hoàn toàn trong năm 2014.

Và chắc chắn Hy Lạp sẽ cần có thêm các gói cứu trợ bổ sung ngoài chương trình cho vay giải cứu hiện tại. Theo ông Jeroen Dijsselbloem, việc cung cấp thêm các hỗ trợ cho Hy Lạp là phù hợp với điều kiện của các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, bất cứ quyết định nào liên quan đến việc này cũng sẽ không được thực hiện trước tháng 4/2014. Các điều kiện chính đối với Hy Lạp buộc nước này phải đạt được thặng dư ngân sách hàng năm - có nghĩa là nợ phải được thanh toán trước chi phí - cộng với việc thực hiện đầy đủ các cải cách mà Athens đã cam kết để đổi lấy các khoản vay cứu trợ tài chính.

Ông Dijsselbloem nói: "Tiến độ thực hiện cải cách là rất cần thiết, đặc biệt là cải cách trong khu vực công và cải cách quả lý thuế."

[Xóa nợ cho Hy Lạp có thể gây ra "hiệu ứng domino"]


Ông Dijsselbloem cho biết thêm 17 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã cam kết sẵn sàng cung cấp thêm các hỗ trợ cho Hy Lạp, với lãi suất thấp hơn, cho đến khi Athens có đủ khả năng tái cấp vốn trên thị trường tài chính.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hy Lạp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính lên đến 11 tỷ euro (14,5 tỷ USD) cho đến hết năm 2015. Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã luôn ở trong tình trạng phá sản, với các khoản vay giải cứu trị giá lên đến 240 tỷ euro (316 tỷ USD) từ các đối tác trong khu vực châu Âu và của IMF.

Để đủ điều kiện cho vay, Hy Lạp đã phải thực hiện liên tục các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu nhà nước, cắt giảm tiền lương trong khu vực công và lương hưu, đồng thời tăng thuế trên diện rộng.

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ về thặng dư ngân sách trong thời gian gần đây, nhưng do trải qua 6 năm suy thoái kinh tế liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp hiện vẫn đang ở mức cao 27% và chưa có bất kỳ dấu hiệu được cải thiện./.

Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục