Theo Thủ tướng mới đắc cử của Hy Lạp Alexis Tsipras, Chính phủ Hy Lạp muốn áp dụng các biện pháp chống lại chính sách khắc khổ có hiệu lực từ năm 2010 do các chủ nợ Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp đặt.
Biện pháp nổi bật nhất là tái hòa nhập phụ nữ nội trợ bị Bộ Tài chính sa thải mà cuộc đấu tranh từ hơn một năm rưỡi nay trở thành biểu tượng của sự phản kháng chống lại chính sách khắc khổ.
Điều này liên quan đến khoảng 300 nữ nhân viên trong số 595 người nộp thuế làm việc trong khắp các cơ quan của Hy Lạp trước khi bị sa thải vào tháng 9/2013. Phụ nữ nội trợ không phải là đối tượng duy nhất được hưởng sự "đảo ngược" chính sách này.
Theo Thứ trưởng Bộ Cải cách hành chính Georges Katrougalos, việc sa thải trong các cơ quan hành chính trái với Hiến pháp sẽ bị loại bỏ. Đó là trường hợp giáo viên và khoảng vài nghìn công chức bị sa thải mà không có quá trình đánh giá, xem xét.
Báo chí Hy Lạp nhận định con số tuyển mới khoảng gần 7.500 người chỉ như "giọt nước bỏ biển" trong biện pháp tinh giản biên chế các cơ quan hành chính Nhà nước có tổng số nhân viên hiện nay là 600.00 người, giảm 200.000 so với cách đây 4 năm.
Bộ trưởng Việc làm Panos Skourletis cũng thông báo dự kiến áp dụng lại mức lương tối thiểu là 751 euro/tháng so với 580 euro/tháng hiện nay.
Về mặt an sinh xã hội, Thứ trưởng Dimitris Stratoulis ấn định những ưu tiên là loại bỏ những quy định của "bộ ba chủ nợ" về tuổi nghỉ hưu và giảm mức trợ cấp, đồng thời áp đặt lại mức trợ cấp 300 euro cho những người nghỉ hưu không có bảo hiểm. Bộ Y tế Hy Lạp muốn bỏ phí khám bệnh trị giá 5 euro và thuế 1 euro về đơn thuốc.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis trấn an rằng việc kết thúc thời kỳ thắt lưng buộc bụng không có nghĩa sẽ có sự trượt giá mà đúng hơn là "hướng đến một lối sống thanh đạm. Chúng tôi không nghĩ rằng việc phát triển có nghĩa là có nhiều ôtô sang trọng như Porsche Cayenn chạy trên những con phố hẹp của thành phố và gia tăng khí CO2 vào không khí"./.