Hy Lạp thông qua cách "thắt lưng buộc bụng" mới

Chính phủ Hy Lạp đã thông qua một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới nhằm tiết kiệm chi tiêu ngân sách từ nay đến năm 2015.
Sau cuộc họp căng thẳng kéo dài 6 giờ liền, tối 9/6, Chính phủ Hy Lạp đã thông qua một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới nhằm tiết kiệm chi tiêu ngân sách công cùng một chương trình tư nhân hóa trị giá 50 tỷ euro (tương đương 73 tỷ USD) từ nay đến năm 2015, đáp ứng các điều kiện để quốc gia đang ngập trong nợ nần này có thể tiếp tục nhận được những cứu trợ tài chính quốc tế mới.

Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" nói trên, được gọi là Kế hoạch ngân sách giai đoạn 2012-2015, ngay sau đó đã được trình lên Quốc hội. Dự kiến, một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội sẽ diễn ra cuối tháng này.

Việc Chính phủ Hy Lạp thông qua các biện pháp kinh tế khắc khổ mới được coi là một bước quan trọng trong nỗ lực của Athens nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng ở nước này hiện nay. Nội dung của kế hoạch bao gồm tăng thuế, giảm chi tiêu công và tiến hành một chương trình tư nhân hóa rộng lớn.

Đây là những biện pháp cần thiết mà Hy Lạp phải thực hiện như một điều kiện để đổi lấy các khoản cứu trợ của Liên minh châu Âu và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời cũng là những biện pháp quan trọng nhằm giúp nước này đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng với khoản nợ lên tới 350 tỷ euro.

Trước khi chính phủ thông qua các biện pháp kinh tế thắt chặt mới nói trên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Hy Lạp phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ của Thủ tướng George Papandreou.

Mặc dù ông Papandreou để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này, song giới phân tích cho rằng ông sẽ không làm điều đó, bởi nhiều khả năng các biện pháp khắc khổ mà ông đưa ra sẽ bị bác bỏ, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục