Hy Lạp tìm hỗ trợ nhằm tránh khủng hoảng nợ

Thủ tướng Hy Lạp đã lên kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo thế giới, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ.
Trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ ngày một trầm trọng, Thủ tướng Hy Lạp, ông George Papandreou ngày 26/2 đã lên kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Mỹ và một số đối tác châu Âu, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế giải quyết tình hình rối ren hiện nay.

Theo kế hoạch, ông Papandreou sẽ gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 5/3 và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 9/3 nhằm thảo luận về các biện pháp đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Trước đó, ngày 26/2, Thủ tướng Papandreou cũng đã gặp Giám đốc điều hành Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức, ông Josef Ackermann, để bàn về khả năng Berlin có thể xem xét mua một lượng trái phiếu chính phủ của Hy Lạp trị giá khoảng 15 tỷ euro. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được khẳng định khi Chính phủ Hy Lạp cũng như ông Ackermann chưa đưa ra bình luận chính thức nào từ cuộc gặp.

Bất chấp các cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ do chính phủ đưa ra, Thủ tướng Papandreou vẫn cảnh báo Hy Lạp có thể rơi vào tình trạng phá sản quốc gia nếu nước này không đáp ứng những biện pháp cắt giảm chi tiêu công nhằm bảo đảm cho nguồn thu ngân sách.

Ông cũng khẳng định "kịch bản" này có thể sẽ xảy ra nếu Hy Lạp không thực hiện trách nhiệm của mình "ngay từ hôm nay". Thủ tướng cho rằng hậu quả sẽ còn "thảm khốc" hơn nhiều nếu mọi nỗ lực cứu vãn kinh tế bắt đầu "từ ngày mai", vì như thế là quá muộn.

Mặt khác, ông Papandreou còn cho biết hiện chính phủ của bà Merkel cũng đã né tránh những lời kêu gọi từ Athens về một khoản trợ giúp tài chính. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại Đức đều cho thấy đa số người dân phản đối việc chính quyền Berlin đưa ra gói trợ giúp tài chính để Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng.

Cho đến nay, các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ đưa ra tuyên bố trợ giúp Hy Lạp mang tính chính trị nhiều hơn là một gói hỗ trợ tài chính. Theo Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy và Thủ tướng Đức Merkel, EU không đưa ra những cam kết cụ thể đối với Hy Lạp do Athens chưa có những đề nghị cụ thể cũng như chưa thực hiện trách nhiệm ổn định về giảm nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước.

Cuối năm 2009, Hy Lạp đã gây "cú sốc" lớn cho các đối tác EU và thị trường tài chính thế giới khi thâm hụt ngân sách của nước này được báo cáo lên tới gần 13%, cao hơn mức trần của EU trên 4 lần.

EU đã đặt thời hạn chót cho Hy Lạp tới trung tuần tháng Ba để các biện pháp cắt giảm chi tiêu đạt được kết quả và có thể giảm mức thâm hụt xuống còn 8,7% trong năm nay, trước khi muốn sự trợ giúp lớn hơn từ khối này.

EU lo ngại những vấn đề kinh tế của Hy Lạp, đang ảnh hưởng tới giá trị đồng euro, cũng lan sang các nước khác trong khu vực, gây tình trạng hiệu ứng thâm hụt ngân sách lớn như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục