Vẫn chưa đồng thuận

Hy Lạp vẫn chưa đồng thuận "thắt lưng buộc bụng"

Vòng đàm phán mới giữa Thủ tướng Hy Lạp với các đối tác kết thúc mà không đạt đồng thuận về chương trình "thắt lưng buộc bụng."
Vòng đàm phán mới giữa Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras với các đối tác trong liên minh cầm quyền đã kết thúc tối 12/9, nhưng không đạt đồng thuận về chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới mà Athens cần thực hiện để nhận được khoản cứu trợ tối cần thiết từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào mùa Thu tới.

Cả Chủ tịch đảng Dân chủ cánh tả Photis Kouvelis và Chủ tịch đảng PASOK theo đường lối xã hội Evangelos Venizelos tiếp tục phản đối một số đề xuất mà các chủ nợ đưa ra như cắt giảm việc làm trên quy mô lớn trong khu vực công và cải cách thị trường lao động.

Ông Kouvelis cho biết các bên tiếp tục đàm phán và đặt mục tiêu trong vài ngày tới đạt thỏa thuận về kế hoạch cắt giảm chi tiêu lên tới 11,5 tỷ euro (14,7 tỷ USD) trong 2 năm tới để Quốc hội thông qua kế hoạch này vào tháng sau.

[Hy Lạp gặp khó trong đàm phán với chủ nợ quốc tế]

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yiannis Stournaras đã làm việc với các nhà kiểm toán EU và IMF với kết quả được đánh giá là "hữu ích." Đánh giá tích cực của các chủ nợ về chiều hướng kinh tế và kết quả giải quyết khủng hoảng nợ ở Hy Lạp có thể mở đường để EU và IMF giải ngân phần cứu trợ tiếp theo lên tới 31,5 tỷ euro (39,9 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào mùa Thu.

Cũng trong ngày 12/9, Chính phủ Hy Lạp đã khởi động chương trình tư nhân hóa như một phần trong các điều kiện nhận cứu trợ, với động thái đầu tiên là tuyên bố bán 29%, trong tổng cổ phần 34%, tại Sòng bạc OPAP, một trong những công ty làm ăn sinh lợi nhất của Hy Lạp, đồng thời là một trong những sòng bạc được niêm yết lớn nhất ở châu Âu.

Theo bản tin đêm 12/9 của đài Tiếng nói nước Nga, Quỹ phát triển tài sản công của Hy Lạp đã định ra 40 hòn đảo không có người ở để cho thuê lấy tiền phục vụ mục tiêu giảm nợ công.

Giám đốc quỹ là ông Andreas Tarantsis cho biết các hòn đảo này có thể được biến thành những khu du lịch hạng nhất với thời hạn cho thuê là 30-50 năm. Trước đó, Chính phủ ủy thác cho quỹ này thu hút 50 tỷ euro từ nay đến năm 2020 thông qua việc điều phối tài sản quốc gia nhằm đáp ứng các tiêu chí vay mượn của EU và duy trì vị trí của Hy Lạp trong Khu vực đồng euro.

Trong khi Chính phủ Hy Lạp đang nỗ lực hoàn tất kế hoạch cắt giảm chi tiêu và thúc đẩy chương trình tư nhân hóa bị trì hoãn từ lâu, thủ đô Athens của nước này cùng ngày lại bị tê liệt vì cuộc bãi công phản đối cắt giảm chi tiêu của khoảng 2.000 giáo viên, bác sỹ và viên chức trong thành phố.

Hàng trăm nhân viên an ninh cũng tham gia một cuộc biểu tình vào cuối chiều cùng ngày với mục đích tương tự./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục