Hy Lạp vẫn vững vàng trước quyết định "lạnh lùng" của ECB

Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định từ ngày 11/2 tới sẽ không cho phép Hy Lạp tiếp tục sử dụng trái phiếu chính phủ làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.
Hy Lạp vẫn vững vàng trước quyết định "lạnh lùng" của ECB ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (phải) và Chủ tịch Nhóm Eurozone Jeroen Dijsselbloem trong cuộc gặp tại Athens. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa ra quyết định từ ngày 11/2 tới sẽ không cho phép Hy Lạp tiếp tục sử dụng trái phiếu chính phủ làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận vốn của quốc gia này.

Như vậy, trái phiếu chính phủ trị giá hàng chục tỷ euro của Hy Lạp cũng như các trái phiếu ngân hàng được Athens bảo lãnh sẽ không còn đủ tiêu chuẩn làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay của ECB và gián tiếp đặt Ngân hàng trung ương Hy Lạp (BoG) vào “thế bí” khi phải tự xoay xở để cung cấp chương trình Trợ giúp Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) cho hệ thống ngân hàng đang “khát vốn” của nước này, trong bối cảnh chiến thắng của đảng cánh tả Syriza trong cuộc bầu cử hồi tháng trước đã tạo ra làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi ngân hàng.

Tuy nhiên, lãi suất vay ELA do BoG đưa ra sẽ cao hơn và gây không ít khó khăn cho các ngân hàng. Trong trường hợp xấu nhất nếu hệ thống ngân hàng của Hy Lạp sụp đổ thì chính phủ sẽ không có đủ năng lực tài chính mà sẽ phải in thêm tiền để cứu trợ.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng sẽ muốn “tránh xa” môi trường kinh doanh đầy rủi ro tại Athens.

Quyết định bất ngờ của ECB đã “dội một gáo nước lạnh” vào Chính phủ mới của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.

Tân chính phủ trước đó đã cam kết sẽ đàm phán với các nhà lãnh đạo quốc tế về việc thiết lập một chương trình cải cách sau khi “mạnh tay” từ chối các khoản vay mới từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bất chấp tình hình tài chính khó khăn của đất nước.

Những quốc gia chủ nợ của Hy Lạp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đứng đầu là Đức, đã nhấn mạnh rằng việc xóa nợ cho Hy Lạp là bất khả thi, và nước này nên tuân thủ các thỏa thuận trước đó về cắt giảm thâm hụt ngân sách và tháo gỡ các quy định cũng như đẩy lùi nạn quan liêu của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục