IAEA: Không có dấu hiệu Triều Tiên tái chế plutoni trong năm 2019

IAEA "gần như chắc chắn" lò phản ứng thí nghiệm công suất 5 MW tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon - nơi được cho là đã sản xuất plutoni làm nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân, đã bị đóng cửa từ đầu 12/2018.

Theo Reuters, ngày 2/9, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc nêu rõ không có dấu hiện cho thấy Triều Tiên tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò phản ứng hạt nhân chính của nước này thành plutoni trong năm 2019, song Bình Nhưỡng dường như vẫn tiếp tục làm giàu urani, loại nhiên liệu tiềm năng khác để chế tạo bom hạt nhân.

Trong báo cáo thường niên đề ngày 1/9, IAEA cho hay cơ quan này "gần như chắc chắn" lò phản ứng thí nghiệm công suất 5 MW tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nơi được cho là đã sản xuất plutoni làm nguyên liệu cho các vũ khí hạt nhân, đã bị đóng cửa từ đầu tháng 12/2018.

Tuy nhiên, không có lượng hơi nước đáng kể tại phòng thí nghiệm tái chế plutoni ở đó, cho thấy lô nhiên liệu đã qua sử dụng cuối cùng vẫn ở trong tòa nhà đặt lò phản ứng này.

[Trang mạng 38 độ Bắc: Triều Tiên đang làm giàu urani tại Yongbyon]

Báo cáo có đoạn: "Gần như chắc chắn không có hoạt động tái chế diễn ra và plutoni được sản xuất trong lò phản ứng 5 MW trong chu kỳ hoạt động gần đây nhất đã không được tách ra." Tuy nhiên, hoạt động xây dựng ở lò phản ứng nước nhẹ tại Yongbyon dường như vẫn tiếp tục.

Ngược lại, theo báo cáo trên, hoạt động của các xe cộ và vận hành các đơn vị làm mát tại nhà máy chế tạo thanh nhiên liệu ở Yongbyon cho thấy Triều Tiên đang sản xuất urani được làm giàu bằng các máy ly tâm tại đó.

Triều Tiên cũng có thể đang làm giàu urani tại một cơ sở ở ngay ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng có tên Kangson, nơi chỉ thu hút sự chú ý với tư cách là một cơ sở làm giàu tiềm năng trong những năm gần đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục