IAEA nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên trong thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân

Cụ thể, Mỹ và Anh - 2 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ phải báo cáo lên IAEA về việc chuyển giao vật liệu hạt nhân cho các nước không có vũ khí hạt nhân như Australia.
IAEA nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên trong thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân ảnh 1Tàu ngầm hạt nhân La Perle (phải) của Pháp tại cảng La Goulette ở Tunis, Tunisia, ngày 29/11/1997. (Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN)

Ngày 14/3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuyên bố cần phải đảm bảo rằng thỏa thuận cung cấp tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) sẽ không gây ra “những nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.”

Theo thông cáo báo chí của IAEA, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi tái khẳng định quan điểm không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ pháp lý của các bên.

Cụ thể, Mỹ và Anh - 2 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ phải báo cáo lên IAEA về việc chuyển giao vật liệu hạt nhân cho các nước không có vũ khí hạt nhân như Australia.

Về phần mình, chính phủ Australia sẽ phải làm việc với IAEA để có thể sử dụng vật liệu hạt nhân như động cơ hạt nhân của tàu ngầm.

[AUKUS công bố kế hoạch cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia]

Ông Grossi cho biết quy trình này liên quan đến các vấn đề pháp lý và kỹ thuật phức tạp, đồng thời cam kết thực hiện nghĩa vụ xác minh và không phổ biến vũ khí hạt nhân một cách công bằng và minh bạch.

Trong khi tiếp tục thảo luận với các bên tham gia AUKUS, ông Grossi dự kiến sẽ trình báo cáo về vấn đề này tại cuộc họp của Hội đồng thống đốc IAEA dự kiến diễn ra trong tháng 6 tới.

Lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia vừa công bố thỏa thuận lịch sử về tàu ngầm.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ bán cho Australia 3 tàu ngầm lớp Virginia bắt đầu từ đầu những năm 2030 và được mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết, sau đó chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh.

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Australia sẽ được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình thẳng đứng và dự kiến đưa vào biên chế đầu những năm 2040.

Ước tính, chi phí chế tạo và vận hành các tàu này đến giữa những năm 2050 có thể tiêu tốn của Australia từ 268 tỷ USD đến 368 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tàu ngầm sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân và không được trang bị vũ khí hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục