Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, kể từ ngày 7/2 Israel đã bãi bỏ quy định xuất trình “Thẻ Xanh,” tức chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, tại hầu hết các tụ điểm công cộng như nhà hàng, rạp hát, phòng tập thể thao, khách sạn..., chỉ duy trì quy định này đối với vũ trường và các sự kiện tập trung đông người.
Người được cấp “Thẻ Xanh” là những người đã nhiễm COVID-19 hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trong vòng 4 tháng qua; hoặc những người đã tiêm mũi 3 hoặc mũi 4 không giới hạn về thời gian.
Cùng với quy định “Thẻ Xanh," một số quy định khác cũng được dỡ bỏ kể từ ngày 7/2, như giới hạn số người tham gia sự kiện đông người hoặc quy định giãn cách tối thiểu trong các trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng, trụ sở doanh nghiệp.
Bộ Y tế Israel cho biết việc nới lỏng quy định là do trên thực tế “Thẻ Xanh” đã không chứng minh được hiệu quả trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.
Trong những ngày qua số bệnh nhân mắc mới COVID-19 tại Israel tiếp tục giảm nhanh, nhưng các ca bệnh nặng vẫn tiếp tục tăng lên.
Thống kê trong ngày 6/2 cho thấy tại quốc gia Trung Đông này có tổng cộng 1.263 ca nặng, mức cao nhất từ trước tới nay.
Bộ Y tế cho biết các ca nặng tập trung nhiều ở những người chưa tiêm phòng. Ví dụ, số bệnh nhân nặng trên 60 tuổi và chưa được tiêm phòng tính theo tỷ lệ dân số đang ở mức 415,6 ca/100.000 dân; so với 35,9 ca trong cùng nhóm tuổi nhưng đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Israel đã “đặc biệt xuất sắc” khi vượt qua đại dịch COVID-19 với một chiến dịch tiêm phòng nhanh chóng, hiệu quả, giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh chóng.
Báo cáo do IMF công bố ngày 6/2 nhận định: “Chiến dịch tiêm vaccine dẫn đầu thế giới của Israel đã giúp củng cố lòng tin và giảm thiểu tác động của dịch bệnh mỗi khi xuất hiện các biến chủng virus mới."
Chính phủ nước này cũng tung ra các chương trình hỗ trợ tài chính “nhanh chóng và dồi dào” cho các doanh nghiệp và người dân; đồng thời ngân hàng trung ương triển khai các chính sách tiền tệ nới lỏng có tính toán nhằm “tăng cường thanh khoản và duy trì dòng chảy tín dụng."
Theo IMF, sau khi suy giảm nhẹ trong năm 2020, sang năm 2021 kinh tế Israel đã hồi phục mạnh mẽ với mức tăng GDP thực tế đạt 6,5%, vượt thời điểm trước dịch COVID-19.
Đây là mức tăng cao hơn so với các nền kinh tế trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một phần nhờ sức mạnh vượt trội của lĩnh vực công nghệ và tiêu dùng tư nhân tăng nhanh.
Trong năm 2022, kinh tế Israel được dự báo tiếp tục hồi phục vững chắc “nhờ được hỗ trợ bởi tiêu dùng, đầu tư tư nhân và xuất khẩu ròng."
Tuy nhiên, kinh tế Israel cũng đang đối mặt với một số thách thức về trung và dài hạn về nguồn lực lao động, bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ; một bộ phận lớn người dân không muốn tham gia lực lượng lao động; và năng suất lao động thấp trong các ngành nghề phi công nghệ (ước tính thấp hơn 35% so với các nước OECD).
Ngoài ra, giá nhà đất và giá cả sinh hoạt tăng cao đang gây sức ép, buộc các nhà điều hành chính sách phải đưa ra các giải pháp điều chỉnh về cơ cấu nhằm tăng nguồn cung nhà ở và giảm chi phí sinh hoạt.
Một trong các biện pháp có thể áp dụng là giảm bớt các rào cản thương mại nhằm khuyến khích phân bổ hợp lý các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư và sáng tạo, cải thiện môi trường cạnh tranh.
IMF cho rằng tăng cường chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cũng là một giải pháp vừa giúp khơi thông dòng chảy cho nền kinh tế vừa khuyến khích tạo thêm việc làm cho người dân./.