IMF: Fed định tăng lãi suất “dội gáo nước lạnh” vào phục hồi kinh tế

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng việc Mỹ tăng lãi suất có thể có tác động đáng kể đến nhiều quốc gia có các khoản nợ tính bằng đồng USD.
IMF: Fed định tăng lãi suất “dội gáo nước lạnh” vào phục hồi kinh tế ảnh 1Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể "dội một gáo nước lạnh" vào sự phục hồi kinh tế vốn đã yếu kém ở một số quốc gia nhất định.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos ngày 21/1, bà Georgieva nói rằng việc tăng lãi suất của Mỹ có thể có tác động đáng kể đến các quốc gia có các khoản nợ tính bằng USD.

Do đó, điều "cực kỳ quan trọng" là Fed phải truyền đạt rõ ràng các kế hoạch chính sách của mình để ngăn chặn những sự kiện bất ngờ.

Bà Georgieva cho biết khoảng 70% các quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh “túng quẫn” hoặc có nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần, con số này cao gấp đôi so với mức của năm 2015.

IMF dự báo sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục song không còn mạnh mẽ như trước.

Do đó, bà Georgieva đề xuất các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra các giải pháp mang tính linh hoạt cho Năm mới. Năm 2022 là năm vượt chướng ngại vật, với những rủi ro như lạm phát gia tăng, đại dịch COVID-19 và mức nợ cao.

Hồi tháng 12/2021, IMF cho hay tổng mức nợ trên thế giới trong năm 2020 đã chạm mức cao nhất trong một năm kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai là 226.000 tỷ USD.

[Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu thảo luận về ổn định kinh tế]

Về vấn đề lạm phát, bà Georgieva nhấn mạnh rằng đây là vấn đề đặc thù của từng quốc gia, chính vì vậy theo một cách nào đó, yếu tố này khiến tình hình trong năm 2022 thậm chí còn khó khăn hơn năm 2020.

Theo bà, trong năm 2020, chúng ta có những chính sách tương tự vì các nước trên thế giới đang chiến đấu với cùng một vấn đề đó là nền kinh tế đình trệ.

Tuy nhiên, đến năm 2022, tình hình ở các nước rất khác nhau, vì vậy không thể áp dụng cùng một chính sách nữa, mà phải mang tính đặc thù của từng quốc gia và điều đó khiến công việc của các nước trong năm 2022 trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Giá cả đang tăng với tốc độ đáng kinh ngạc ở một số nước, trong đó lạm phát Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đạt mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021, tỷ lệ lạm phát ở Anh đạt mức cao nhất 30 năm trong cùng tháng và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục