IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới, công bố ngày 16/7, IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024, không thay đổi so với dự báo hồi tháng Tư.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Glendale, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Glendale, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 tuy giảm dự báo tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Nhật Bản, đồng thời cảnh báo về rủi ro lạm phát và căng thẳng thương mại sắp tới.

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới, công bố ngày 16/7, IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024, không thay đổi so với dự báo hồi tháng Tư. Dự báo cho năm 2025 là 3,3%.

IMF nhận định: "Hoạt động toàn cầu và thương mại thế giới đã tăng lên vào đầu năm, được thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ từ châu Á, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ."

Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động ở châu Á. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc được điều chỉnh lên 5% do tiêu dùng tư nhân phục hồi và xuất khẩu mạnh, và con số này của Ấn Độ dự kiến đạt 7%, một phần là do triển vọng tiêu dùng tốt hơn. Khu vực đồng euro (Eurozone) cũng đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, trong khi nhiều nước chứng kiến mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay, IMF đã nhấn mạnh bất ngờ đáng chú ý ở Nhật Bản và Mỹ. Cụ thể dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm 2024 đã bị hạ xuống còn 2,6%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của tháng Tư, do "khởi đầu năm chậm hơn dự kiến."

Nền kinh tế Nhật Bản được dự kiến sẽ tăng trưởng ít hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự kiến, đạt 0,7% trong năm nay. Theo IMF, nguyên nhân chủ yếu là do gián đoạn nguồn cung tạm thời và đầu tư tư nhân yếu trong quý 1/2024.

IMF cảnh báo vẫn còn rủi ro lạm phát trong bối cảnh căng thẳng thương mại hoặc địa chính trị gia tăng, dù quỹ này vẫn dự kiến lạm phát sẽ trở lại mục tiêu vào cuối năm 2025.

IMF cho biết căng thẳng thương mại leo thang cũng có thể làm tăng rủi ro lạm phát trong ngắn hạn vì sẽ đẩy chi phí hàng hóa nhập khẩu lên cao. Lạm phát cao hơn có thể làm tăng khả năng lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, làm tăng rủi ro tài chính.

IMF kêu gọi điều chỉnh chính sách tiền tệ thận trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục