IMF: “Hồi hương” hoạt động sản xuất sẽ không cải thiện chuỗi cung ứng

Theo IMF, sự phục hồi kinh tế cho thấy khả năng thích ứng và sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc thiên vị hoạt động sản xuất trong nước có thể là sai lầm.
IMF: “Hồi hương” hoạt động sản xuất sẽ không cải thiện chuỗi cung ứng ảnh 1Công nhân lắp ráp thiết bị điện tử tại một nhà máy ở Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 12/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo xu hướng bảo vệ các chuỗi cung ứng bằng cách đảm bảo một tỷ trọng lớn hơn các linh kiện phụ tùng phải được sản xuất ở trong nước trên thực tế có thể khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

IMF cho biết bất chấp tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19, thương mại hàng hóa đã phục hồi khá nhanh nhờ hình thức làm việc từ xa.

Theo IMF, sự phục hồi này cho thấy khả năng thích ứng và sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, thể chế tài chính này cho rằng việc “hồi hương” hoạt động sản xuất có thể là sai lầm.

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đóng cửa, nhưng khi số ca mắc COVID-19 giảm xuống và vaccine được tiêm rộng rãi cho phép các nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều ngành, đặc biệt là các nhà sản xuất ôtô đã không thể đáp ứng kịp nhu cầu phục hồi do tình trạng thiếu hụt bán dẫn và nhiều mặt hàng khác trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động, như tài xế xe tải, cũng góp phần khiến chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn hơn nữa.

Tình hình này đã thúc đẩy nhiều nước tăng cường sản xuất bán dẫn và nhiều thành phần đầu vào chủ chốt khác ở trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Tuy nhiên, báo cáo của IMF cho rằng xu hướng “thiên vị nội địa” này có thể khiến các công ty dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn hơn, trong đó có tình trạng gián đoạn do các sự kiện như căng thẳng Nga-Ukraine.

Theo báo cáo, với sự ổn định nói chung của hoạt động thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị trong suốt đại dịch, thì các chính sách như đưa hoạt động sản xuất về nước có thể là sai lầm.

Thay vào đó, IMF cho rằng sự ổn định của chuỗi cung ứng trước các cú sốc sẽ được tạo lập tốt hơn bằng cách tăng cường đa dạng hóa nguồn cung.

[IMF: Nga vỡ nợ có thể chỉ gây ảnh hưởng hạn chế đến tài chính toàn cầu]

Bên cạnh đó, việc cắt giảm các hàng rào thương mại và những biện pháp ở cấp độ doanh nghiệp như đảm bảo các sản phẩm có thể sử dụng đầu vào từ nhiều nhà cung cấp, điều mà IMF gọi là tính dễ thay thế, cũng sẽ giúp các công ty tránh được những sự gián đoạn tương tự trong tương lai.

Báo cáo khẳng định: "Nâng cao sự ổn định của chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng để giải quyết không chỉ các trường hợp khẩn cấp về y tế như đại dịch COVID-19, mà còn cả các kiểu sốc khác như xung đột tại Ukraine, các cuộc tấn công mạng và thời tiết khắc nghiệt.”

Dù vậy, các chuyên gia của IMF cho biết sự đa dạng hóa cao hơn sẽ giảm đáng kể thiệt hại kinh tế toàn cầu trong trường hợp gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng lại ít phát huy tác dụng hơn khi một cú sốc nào đó tác động đến tất cả các nền kinh tế cùng một lúc.

Tuy nhiên, các chuyên gia này nhận định tác động của đại dịch chỉ trong thời gian ngắn, cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn vững vàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục