IMF và WTO cảnh báo nguy cơ từ hạn chế xuất thiết bị y tế

Theo IMF, WTO việc gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chệch hướng cung cấp sản phẩm thiết yếu có nguy cơ kéo dài và làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay.
Nhân viên kiểm tra các trang thiết bị y tế của Trung Quốc hỗ trợ tại nhà kho Bộ Y tế Cuba ở thủ đô La Habana ngày 9/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 24/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hối thúc các quốc gia không áp đặt các biện pháp hạn chế về xuất khẩu và các hoạt động thương mại khác trong bối cảnh thế giới đang đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong tuyên bố chung, IMF và WTO nêu rõ: "Chúng tôi quan ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do việc tăng cường áp đặt những hạn chế về xuất khẩu cùng những hành động khác vốn đang làm hạn chế các nguồn cung y tế và lương thực then chốt."

Tuyên bố khẳng định tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chệch hướng cung cấp các sản phẩm thiết yếu có nguy cơ "kéo dài và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay."

IMF và WTO đồng thời cảnh báo việc áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế và lương thực có thể gây ra những "tác dụng ngược nguy hiểm."

[WB cảnh báo tác động của dịch COVID-19 đối với an ninh lương thực]

Trước đó, ngày 22/4, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và 20 nước thành viên khác của WTO đã nhất trí bảo đảm duy trì hoạt động xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm.

Trong tuyên bố chung, nhóm các nước thành viên WTO trên, trong đó có Australia, Brazil, Canada và Nhật Bản, nhấn mạnh người nghèo trên thế giới, bao gồm cả những người nông dân, sẽ gánh chịu hậu quả của các biện pháp hạn chế xuất khẩu được siết chặt.

Nhóm nước này cam kết không áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm, cũng như tránh thiết lập các nguồn cung cấp thực phẩm nội địa, đồng thời đảm bảo các chuỗi cung ứng luôn mở và các biện pháp khẩn cấp phải tương xứng, minh bạch và chỉ mang tính tạm thời. Các nước này cũng nhất trí thảo luận về cách thức để nâng cao năng lực sẵn sàng của tổ chức khi ứng phó với các đại dịch trong khu vực và quốc tế.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), đại dịch COVID-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người phải đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người trong năm ngoái lên tới 265 triệu người trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục