Indonesia: Cấm bán thịt chó, chủ nhà hàng chuyển sang bán...bí ngô

Trong cộng đồng người Minahasans, Bắc Sulawesi, chó thường được dùng trong một món ăn gọi là rintek wuuk, có nghĩa là “lông ngắn”, và được phục vụ trong đám cưới, đám tang...
Indonesia: Cấm bán thịt chó, chủ nhà hàng chuyển sang bán...bí ngô ảnh 1Chó được bán tại chợ Beriman trước đây. (Nguồn: AP/Kyodo)

Vào tháng 7, chính quyền Indonesia đã chấm dứt việc buôn bán thịt chó tại một khu chợ nổi tiếng trên đảo Sulawesi.

Tomohon là một thành phố du lịch nổi tiếng nằm ở một khu vực cao của Bắc Sulawesi, với phong cảnh núi non tuyệt đẹp, những cánh đồng hoa rực rỡ và thời tiết se lạnh, mát mẻ.

Nơi này có một khu chợ mang tên Beriman, nơi từng được cẩm nang du lịch Lonely Planet mô tả là “không dành cho những kẻ yếu tim.”

Đến với nơi này, du khách sẽ đươc chào đón bằng hình ảnh những con lợn bị giết thịt treo trên quầy hàng lát gạch trắng, bên cạnh những con dơi đã được thui chín xếp thành từng hàng, và những con trăn dài tới 2m treo trên móc.

Chó cũng từng nằm trong số những con vật được “trưng bày” tại đây.

Nhưng vào ngày 21/7, chính quyền ra một thông báo chấm dứt hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó và mèo, sau các cuộc vận động kéo dài nhiều năm của các nhà hoạt động bảo vệ động vật và những người nổi tiếng trên toàn cầu.

[Phát động chiến dịch nói không với nạn buôn bán thịt chó, mèo]

Theo Edwin Roring, Thư ký Khu vực của thành phố, “mối quan tâm lớn của dư luận quốc tế về các hành vi bạo lực đối với động vật gây bất lợi đến ngành du lịch, do đó chính quyền thành phố Tomohon đang tiến hành thực hiện các bước cần thiết.”

Năm 2018, hơn 90 ngôi sao quốc tế, trong đó có nữ diễn viên Mỹ Cameron Diaz, diễn viên hài người Anh Ricky Gervais và người dẫn chương trình Mỹ Ellen DeGeneres đã cùng ký một lá thư kêu gọi Tổng thống Indonesia Joko Widodo cấm việc buôn bán thịt chó, mèo.

Ngoài ra, khả năng lây lan của các căn bệnh như bệnh dại và dịch tả lợn châu Phi liên quan đến những hoạt động buôn bán, giết mổ không đảm bảo vệ sinh cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến lệnh cấm này.

John Karundeng, người đứng đầu cơ quan chăn nuôi và thú y ở Tomohon cho biết: “Hơn 90% số chó và mèo được bán ở Tomohon đến từ các khu vực có bệnh dại như Nam Sulawesi, Trung Sulawesi, Đông Nam Sulawesi, Gorontalo. Và hoạt động buôn bán động vật làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh dại.”

Nhóm Humane Society International (HSI) mô tả việc đóng cửa chợ là một quyết định “lịch sử.” Trước đây, mỗi năm ước tính có hơn 130.000 con chó bị giết thịt tại các chợ truyền thống trên khắp Sulawesi.

Không thịt chó, 'không vui'

Động thái này chỉ là bước đầu tiên trong một khu vực mà thịt chó và mèo được coi là nguyên liệu đặc trưng của các món ăn dân tộc.

Trong cộng đồng người Minahasans, Bắc Sulawesi, chó thường được dùng trong một món ăn gọi là rintek wuuk, có nghĩa là “lông ngắn” và được phục vụ trong đám cưới, đám tang hoặc các sự kiện liên quan đến nhà thờ. Món ăn này cũng có mặt rộng rãi tại các nhà hàng Minahasan trên toàn tỉnh.

“Tôi ủng hộ việc cấm bán chó và mèo sống ở chợ. Nhưng theo tôi bán thịt chó và mèo thì không sao vì virus sẽ bị tiêu diệt sau quá trình thui thịt,” Roy Nangka, một người bán dơi, trăn và thịt lợn rừng tại chợ Beriman, cho biết.

“Chúng tôi đã ăn rintek wuuk qua nhiều thế hệ. Trong mỗi bữa tiệc, trong mỗi nhà hàng phải có rintek wuuk. Không có rintek wuuk, không có niềm vui.”

Nangka cho biết anh đã bán mèo từ năm 1998 đến năm 2012, khi chính quyền địa phương khuyến nghị những người bán hàng ở chợ ngừng buôn bán chó và mèo do các nhóm bảo vệ động vật giám sát chặt chẽ. Anh cho biết mỗi con mèo sẽ có giá ít nhất 100.000 rupiah (6,6 USD).

Anh cho biết mình thường xuyên ăn thịt chó, mà anh cho rằng có kết cấu giống như “thịt ngựa.”

Tuy nhiên, anh cũng cho biết dù thích ăn thịt chó, nhưng họ không giết chó nhà nuôi, mà thay vào đó sẽ mua ở nhà hàng. Và đó là lý do những con chó ở Tomohon thường được nhập từ bên ngoài.

Mặc dù thịt chó và mèo sẽ không còn được bán ở chợ Beriman, Nangka cho biết người tiêu dùng vẫn có thể mua thịt từ các nhà cung cấp với dịch vụ giao hàng tận nơi.

Trở lại với Tomohon, những người chủ của các lò mổ cũ cho biết họ sẽ tuân thủ chặt chẽ các quy định mới, dù họ cho rằng mình khó có thể từ bỏ thói quen kéo dài hàng thập kỷ này.

“Tôi đã buôn bán chó và mèo được 30 năm. Những người chuyên buôn bán chó mèo như chúng tôi sẽ tuân thủ luật lệ. Nhưng điều này cũng sẽ làm giảm thu nhập của chúng tôi,” ông Mely Pongoh, một thương nhân, nói.

Ông cho biết mình thường kiếm được tới 50 triệu rupiah (3.300 USD) mỗi tháng từ việc buôn bán cho mèo, nhưng giờ ông sẽ chuyển sang bán cá nướng.

Elvianus Supongoh, một người đã có thâm niên 25 năm trong nghề, cho biết ông có thể bán tới 120 con chó mỗi tháng. Giờ đây, ông dự định sẽ bán bí ngô, tỏi tây, cà rốt và các loại rau củ khác từ khu vườn rộng 1ha của mình.

Ông nói: “Chợ không còn chó thì người ta sẽ dần quen với việc không ăn thịt chó. Bản thân tôi đã bỏ ăn thịt chó từ lâu rồi, vì tôi bị bệnh gout.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục