Ngày 11/1, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã chính thức cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vắcxin ngừa COVID-19 do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu BPOM, bà Penny Lukito xác nhận BPOM đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp lần đầu đối với loại vắcxin ngừa COVID-19 do Sinovac phối hợp với PT Biofarma sản xuất.
EUA được cấp cho Sinovac sau khi kết quả đánh giá của BPOM cho thấy loại vắcxin trên đạt hiệu quả 65,3% và đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về khả năng sinh miễn dịch, độ an toàn và hiệu quả.
Bà Penny nêu rõ việc cấp giấy phép cho Sinovac dựa vào dữ liệu về sự an toàn của các đối tượng tham gia thử nghiệm lâm sàng sau hai mũi tiêm vắcxin; dữ liệu về khả năng hình thành kháng thể của vắcxin và dữ liệu về hiệu quả bảo vệ của vắcxin trước virus gây bệnh, trong đó dữ liệu xác định hiệu quả của vắcxin dựa vào kết quả của các đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và hai, cũng như kết quả tạm thời của đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba được ghi nhận ở các tình nguyện viên trong vòng ba tháng sau khi được tiêm vắcxin.
Người đứng đầu BPOM khẳng định đợt thử nghiệm lâm sàng cuối cùng kéo dài sáu tháng do nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Y Đại học Padjadjaran thực hiện vẫn sẽ tiếp tục sau khi BPOM cấp EUA và dự kiến hoàn tất vào tháng Tư hoặc tháng Năm tới nhằm theo dõi các tác dụng phụ và thời gian bảo vệ của vắcxin.
Cũng theo bà Penny, các tiêu chuẩn được BPOM sử dụng không khác với các tiêu chuẩn của WHO, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA).
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố rằng chính phủ nước này sẽ cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 miễn phí cho người dân nhằm tạo khả năng miễn dịch cộng đồng. Để đạt được mục tiêu này, Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 67-70% dân số, tương đương với khoảng 182 triệu người.
[Indonesia cấp phép sản xuất 100 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19]
Tính đến nay, Indonesia đã tiếp nhận 3 triệu liều vắcxin Sinovac và đã chốt đơn đặt hàng mua 330 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 với nhiều nhà sản xuất trên thế giới. Mới đây, Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu đến tháng Ba tới sẽ có 29,55 triệu liều vắcxin được phân phối cho các địa phương trong cả nước phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong số đó, 5,8 triệu liều sẽ được bàn giao trong tháng Một, 10,45 triệu liều trong tháng Hai và 13,3 triệu liều còn lại trong tháng Ba.
Dự kiến, giai đoạn một của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Indonesia sẽ được khởi động vào ngày 13/1, trong đó 1,3 triệu nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên, sau đó là 17,4 triệu đối tượng khác ở tuyến đầu. Tiếp đó, 21,5 triệu người từ 60 tuổi trở lên sẽ được tiêm chủng. Trong giai đoạn hai dự kiến sẽ được thực hiện từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, gần 64 triệu người ở các khu vực có nguy cơ cao sẽ được tiêm chủng, tiếp đó là 77,4 triệu người còn lại.
Cùng ngày, Chính phủ Indonesia quyết định kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài thêm hai tuần trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Jakarta, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề về kinh tế của Indonesia, đồng thời là chủ tịch Ủy ban ứng phó COVID-19 và Phục hồi Kinh tế Quốc gia Airlangga Hartarto cho biết Chính phủ Indonesia ngày 11/1 quyết định triển khai các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với các hoạt động trong cộng đồng trong vòng 2 tuần. Ông cũng cho biết thêm Tổng thống Joko Widodo đã nhất trí kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài thêm 2 tuần, cho đến ngày 28/1.
Chính phủ Indonesia đã cấm người nước ngoài nhập cảnh vào nước này từ ngày 1-14/1, ngoại trừ các quan chức ngoại giao ở một số cấp. Những người này phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Indonesia đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài sau khi xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở nước này./.