Các nhà nhân khẩu học và các tổ chức sức khỏe cộng đồng Indonesia đã cảnh báo về nguy cơ bùng nổ dân số của nước này.
Đây sẽ là một thách thức lớn về kinh tế-xã hội đối với đất nước "vạn đảo" trong thời gian không xa, bởi tỷ lệ tăng dân số từ 1,45% trong giai đoạn 1990-2000 đã lên tới 1,49% trong giai đoạn 2000-2010.
Với ít nhất 3,5 triệu ca sinh nở mỗi năm, quy mô dân số của Indonesia sẽ nhanh chóng tăng từ 237,6 triệu người hiện nay lên 250 triệu người sau 5 năm nữa, và 263 triệu người vào năm 2025.
Những con số dự báo trên cho thấy khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng ở Indonesia trong 15-30 năm tới, khi dân số tăng hàng năm vượt quá các nguồn lực của nước này, gây ra các khó khăn về xã hội, kinh tế, an ninh, sinh thái, sức khỏe cộng đồng trong những những năm tới.
Điều đáng lo ngại là dân số tăng thường tập trung vào nhóm người nghèo, thu nhập thấp, ở nông thôn, vùng sâu và đảo xa.
Trước đây, Indonesia đã từng có một chương trình kế hoạch hóa gia đình tương đối thành công. Kể từ khi khởi đầu chương trình này vào năm 1970, Cơ quan quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Indonesia (BKKBN) đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp để các gia đình Indonesia tiếp cận dễ dàng hơn, tốt hơn với các phương pháp tránh thai, và hỗ trợ cho các gia đình có quy mô nhỏ.
Theo các chuyên gia về dân số, để nâng cao hiệu quả kế hoạch hóa gia đình, ngăn ngừa sự bùng nổ dân số, Chính phủ Indonesia cần tăng cường giáo dục, tạo khả năng tiếp cận lớn hơn cho những người thuộc nhóm có thu nhập thấp trong xã hội, cung cấp miễn phí hay ưu đãi các phương tiện tránh thai.
Ngoài ra, chính phủ cần giảm bớt các rào cản văn hóa, thúc đẩy các chương trình kinh tế-xã hội xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng cường cam kết và sự quan tâm đúng mức của chính quyền các cấp đối vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình./.