Indonesia tin tưởng sẽ vượt Việt Nam sau khi hoàn tất Hiệp định IEU-CEPA

Indonesia cho biết sau khi IEU-CEPA được hoàn thành và thực hiện, việc tiếp cận thị trường của Indonesia vào thị trường Liên minh châu Âu, sẽ thu được lợi ích lớn hơn những gì Việt Nam nhận được.

Cảng Tanjung Priok ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: ANTARA)
Cảng Tanjung Priok ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: ANTARA)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ Thương mại Indonesia tin tưởng rằng hiệu quả hoạt động ngoại thương của nước này sẽ vượt qua Việt Nam sau khi hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Liên minh châu Âu (IEU-CEPA).

Ngày 6/3, người đứng đầu Cơ quan Chính sách Thương mại của Bộ trên, ông Kasan Muhri cho biết sau khi thỏa thuận được hoàn thành và thực hiện, việc tiếp cận thị trường của Indonesia vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ thu được lợi ích lớn hơn những gì Việt Nam nhận được.

Ông cho rằng Indonesia bị Việt Nam bỏ lại phía sau, vì Việt Nam đã có hiệp định thương mại với EU tạo lợi thế trong xuất khẩu sang thị trường này.

Khối lượng thương mại của Indonesia sang EU vào năm 2022 chỉ đạt 46 tỷ USD, trong khi cùng thời gian này, Việt Nam có giá trị thương mại được ghi nhận ở mức 94 tỷ USD sau khi thực hiện CEPA.

Ông Kasan tin tưởng Indonesia sẽ hoàn thành IEU-CEPA trong năm nay, qua đó giúp nước này có thể bắt kịp thương mại với Việt Nam sang châu Âu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của IEU-CEPA trong việc mở ra nhiều cơ hội tiếp cận hơn cho hàng xuất khẩu của Indonesia.

Khi Indonesia có thể xuất khẩu hàng hóa sang EU thì việc tiếp cận các thị trường khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ông Kasan nhấn mạnh: “Indonesia, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam, đã cân nhắc và tính toán rằng khi tiếp cận thị trường EU sẽ thu được lợi ích lớn hơn những gì Việt Nam có được.”

Cuộc đàm phán IEU-CEPA đã bước vào vòng thứ 17. Hai bên đang cân nhắc 12 khía cạnh của thương mại song phương, bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư và hợp tác trong hệ thống lương thực bền vững, thương mại và phát triển bền vững.

Các quy định về xuất xứ hàng hóa, năng lượng và nguyên liệu thô, rào cản kỹ thuật thương mại, trợ cấp, sở hữu trí tuệ, điều kiện thể chế, quy định về khía cạnh thể chế và điều khoản chống gian lận cũng đang được thảo luận ở vòng 17.

Trong số các khía cạnh đang được cân nhắc, hai bên đã đạt được sự đồng thuận về hợp tác vì một hệ thống lương thực bền vững, vượt qua các trở ngại thương mại và xử lý các điều kiện thể chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục