Indonesia, Trung Quốc chưa nhất trí về chi phí dự án tàu cao tốc

Tính đến ngày 15/9/2022, chi phí vượt dự toán của dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung là 1,449 tỷ USD, trong khi Cơ quan Giám sát Tài chính và Phát triển xác định con số này chỉ là 1,17 tỷ USD.
Indonesia, Trung Quốc chưa nhất trí về chi phí dự án tàu cao tốc ảnh 1Indonesia và Trung Quốc chưa thống nhất về số tiền đội vốn tại dự án tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung. (Nguồn: Kompas)

Indonesia và Trung Quốc vẫn chưa thể thống nhất được về số tiền đội vốn trong dự án tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung (KCJB) dù công trình này được đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào tháng Sáu tới.

Theo kênh truyền hình CNN Indonesia, vì vấn đề trên, liên danh đường sắt cao tốc Indonesia-Trung Quốc (PT KCIC) vẫn đang phải chờ quyết định về phần chi phí vượt dự toán và phần góp vốn của nhà nước cho dự án.

Trong một thông cáo ngày 12/1, Thư ký PT KCIC, ông Rahadian Ratry, cho biết: “Cả chi phí vượt dự toán và phần góp vốn của nhà nước vẫn đang được xử lý. Dù vậy, quá trình phát triển và khả năng sẵn sàng hoạt động của KCJB vẫn đang diễn ra.”

Ông Rahadian cho hay các cuộc thảo luận về chi phí vượt dự toán của dự án đang bước vào giai đoạn cuối giữa Indonesia và Trung Quốc.

Trong khi đó, PMN vẫn đang trong quá trình giải ngân từ cổ đông Indonesia cho PT KCIC.

Trước đó, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty đường sắt Indonesia (KAI) Didiek Hartantyo thông báo rằng, dựa vào kết quả đánh giá mới nhất của Cơ quan Giám sát Tài chính và Phát triển (BPKP) và KCJB, tính đến ngày 15/9/2022, chi phí vượt dự toán của dự án là 21.740 tỷ rupiah (1,449 tỷ USD).

[Indonesia: Dự án tàu điện ngầm Jakarta bị đội vốn lên hơn 1,7 tỷ USD]

Tuy nhiên, tính toán và đánh giá của BPKP vào ngày 9/3/2022 cho thấy chi phí vượt dự toán của dự án chỉ là 17.640 tỷ rupiah (1,17 tỷ USD).

Trong khi đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc xác định rằng phần chi phí vượt dự toán chỉ khoảng 980 triệu USD.

Trả lời chất vấn trước Hạ viện ngày 9/11 vừa qua, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KCIC, ông Dwiyana Slamet Riyadi cho hay sự khác biệt trên là do cách thức đánh giá khác nhau, phương pháp khác nhau và giả định khác nhau.

Theo ông Dwiyana, phía Trung Quốc đã không tính toán chi phí của bên thứ ba, chẳng hạn như chi phí cung cấp tín hiệu tàu cao tốc. Lý do là ở Trung Quốc, dịch vụ này miễn phí, trong khi ở Indonesia thì không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục