Indonesia tụt hậu về sức cạnh tranh ở lĩnh vực dịch vụ

Về khía cạnh thương mại quốc tế thì Indonesia còn tụt hậu xa sau các đối thủ nước ngoài về sức cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ.
Khu vực dịch vụ đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế trong 10 năm trở lại đây và tới hơn 50% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia trong vài năm qua. Tuy nhiên, về khía cạnh thương mại quốc tế thì Indonesia còn tụt hậu xa sau các đối thủ nước ngoài về sức cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ.

Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cho biết thâm hụt thương mại dịch vụ của đất nước “Vạn đảo” đã mở rộng trong năm 2012 lên 10,8 tỷ USD, từ mức 10,6 tỷ USD năm 2011, khi nhập khẩu tới 33,9 tỷ USD trong khi xuất khẩu chỉ đạt 23,1 tỷ USD. Số liệu thống kê này cho thấy các công ty Indonesia còn phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ từ các công ty nước ngoài.

Giám đốc thống kê kinh tế và tiền tệ của BI, Doddy Zulverdi nói rằng thâm hụt thương mại dịch vụ của Indonesia là vấn đề cấu trúc, do thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Tài khoản vãng lai bị ảnh hưởng lớn từ thương mại trong giao thông vận tải, lĩnh vực đã tạo ra khoản thâm hụt khổng lồ tới 9,1 tỷ USD, chiếm 85% tổng thâm hụt tổng thâm hụt thương mại dịch vụ. Trong thương mại nội địa, nhiều hoạt động vận chuyển giữa các đảo vẫn do các công ty nước ngoài đảm nhiệm.

Ngoài thương mại dịch vụ giao thông, thiệt hại còn đến từ thương mại dịch vụ trong các lĩnh vực bảo hiểm, du lịch, tài chính, máy tính và thông tin. Chẳng hạn, thâm hụt thương mại dịch vụ về bảo hiểm là 1,1 tỷ USD, về máy tính và thông tin là 523 triệu USD.

Chủ tịch Hiệp hội chủ việc Indonesia (Apindo), Sofjan Wanandi đã cảnh báo rằng áp lực đối với thương mại dịch vụ sẽ trở nên mãnh liệt hơn trong tương lai khi lĩnh vực này được tự do hóa (ở các mức độ khác nhau) theo các thỏa thuận thương mại tự do được ký kết. Sự tụt hậu so với các đối thủ nước ngoài, do Indonesia đã làm được rất ít với ngành công nghiệp dịch vụ của mình khi dành ưu tiên nhiều hơn cho sản xuất, sẽ còn gia tăng nếu chính phủ không có những nỗ lực nghiêm túc để bảo vệ vài cải thiện sức cạnh tranh của các khu vực dịch vụ trong nước.

Chia sẻ với quan điểm của Apindo, nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), Sjamsu Rahardja, cho rằng mặc dù việc lựa chọn lĩnh vực dịch vụ ưu tiên không phải dễ dàng đối với Indonesia, song các nhà hoạch định chính sách của nước này trước hết cần cung cấp nền tảng thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của toàn bộ lĩnh vực dịch vụ thông qua đảm bảo các ưu đãi nhất định và khuôn khổ pháp lý, nhất là cho khu vực tư nhân để phát triển các dịch vụ phù hợp với nhu cầu.

Chủ tịch Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia (BKPM), Chatib Basri cho biết Chính phủ Indonesia đã sửa đổi danh mục đầu tư, trong đó có việc mở cửa để lĩnh vực dịch vụ trở nên thân thiện với các nhà đầu tư, bởi trong tổng vốn đầu tư nước ngoài và trong nước của Indonesia, đã tăng 25% lên 33 tỷ USD năm 2012, khu vực dịch vụ chỉ chiếm chưa đầy 5%.

Ông Chatib Basri nói rằng Indonesia có những tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Chẳng hạn đầu tư trong ngành khách sạn, khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia cũng sẽ chú trọng phát triển dịch vụ trong các lĩnh vực như tài chính, viễn thông và giao thông vận tải, bởi những tác động tích cực và sâu rộng của chúng đến việc nâng cao sản lượng và hiệu quả sản xuất suất.

Chuyên gia cao cấp Sherry Stephenson của Trung tâm Thương mại và Phát triển bền vững Quốc tế, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, nói rằng Indonesia cần xóa bỏ nghịch lý khi là một điểm đến đầu tư có sức hấp dẫn gia tăng lại không cải thiện được vị trí của mình trong chuỗi cung cấp toàn cầu do cơ sở hạ tầng thiếu và yếu trong lĩnh vực dịch vụ, chưa nói đến việc ngành chế tạo của đất nước với trên 17.500 hòn đảo này sử dụng dịch vụ ít hơn so với nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác và dịch vụ chỉ chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục