Theo hãng thông tấn chính thức Antara, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ 10 về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện song phương (IEU-CEPA) trong các ngày 22-26/2 tới.
Phái đoàn Indonesia do ông Iman Pambagyo, Tổng cục trưởng Đàm phán Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại dẫn đầu, trong khi Trưởng đoàn đàm phán EU là Phó Tổng vụ trưởng Thương mại thuộc Ủy ban châu Âu, bà Helena König.
Trong một tuyên bố ngày 19/2, ông Iman cho biết đây là vòng đàm phán toàn diện đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, sau cuộc họp trực tuyến vào tháng 6/2020. Indonesia và EU vẫn cam kết hoàn tất các cuộc đàm phán này càng sớm càng tốt.
Ông Imam nhấn mạnh rằng việc hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện song phương sẽ khuyến khích các nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Tại vòng đàm phán này, Indonesia sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề kỹ thuật và đạt sự đồng thuận cho một số vấn đề còn vướng mắc.
Theo đó, vòng đàm phán lần này sẽ thảo luận 19 vấn đề, trong đó có thương mại hàng hóa, quy định xuất xứ sản phẩm, năng lượng và nguyên liệu thô, công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật thương mại, tiêu thụ đặc biệt và tạo thuận lợi thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư, và sở hữu trí tuệ.
Các vấn đề khác cũng được thảo luận gồm cạnh tranh kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, thương mại và phát triển bền vững, minh bạch và thông lệ tốt, tương trợ hành chính, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, giải quyết tranh chấp, điều khoản thể chế, cũng như hợp tác kinh tế và nâng cao năng lực.
Là một trong những ưu tiên của Chính phủ Indonesia, các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện song phương được khởi động vào ngày 18/7/2016 và được tiến hành dựa vào các hướng dẫn đàm phán được Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhất trí vào tháng 4/2016.
[Indonesia hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2021]
Indonesia hy vọng rằng việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện song phương và triển khai Luật Omnubis (đạo luật gồm nhiều nội dung) về tạo việc làm sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế và đưa Indonesia trở thành quốc gia phát triển hơn.
Theo thống kê, năm 2020, tổng giá trị trao đổi thương mại giữa Indonesia và EU đạt 25,5 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu của Indonesia sang EU lên tới 14,4 tỷ USD. EU cũng là thị trường xuất nhập khẩu phi dầu khí lớn thứ ba của quốc gia Đông Nam Á này./.