Iran cảnh báo nguy cơ xảy một cuộc chiến quy mô lớn trong khu vực

Iran cáo buộc liên minh do Saudi Arabia đứng đầu với các nước tham gia là UEA, Mỹ, một số nước châu Âu và Israel là những nước đã khởi xướng cuộc chiến tại Vùng Vịnh.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố cuộc tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia là lời cảnh báo về một cuộc chiến quy mô rộng lớn hơn nhằm đáp trả liên quân do Saudi Arabia đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn can thiệp vào tình hình Yemen.

Trong tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, ông Rouhani nêu rõ: "Lực lượng Houthi không tấn công bệnh viện, trường học hay khu chợ ở thủ đô Sanaa. Họ chỉ tấn công vào trung tâm công nghiệp để cảnh báo."

Ông cảnh báo cần rút ra bài học từ "lời cảnh báo" đó và nên thận trọng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh trong khu vực.

Nhà lãnh đạo Iran cũng khẳng định Tehran không muốn xảy ra một cuộc xung đột trong khu vực.

Ông cáo buộc chính liên minh do Saudi Arabia đứng đầu với các nước tham gia là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA), Mỹ, một số nước châu Âu và Israel là những nước đã khởi xướng cuộc chiến trong khu vực này.

Ông kêu gọi "rút ra bài học từ lời cảnh báo này và xem xét khả năng xảy ra một cuộc chiến trong khu vực."

[Iran: Mỹ tìm cách gây sức ép với Tehran bằng những cáo buộc tấn công]

Trước cáo buộc của Mỹ cho rằng Iran đứng đằng sau cuộc tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, Tổng thống Rouhani cho biết những cáo buộc của Washington là nhằm tăng cường gây sức ép đối với Tehran.

Ông nói: "Trong khi tăng cường gây sức ép về kinh tế và tâm lý đối với người dân Iran thông qua các biện pháp cấm vận, Mỹ muốn gây sức ép tối đa với Iran thông qua những cáo buộc."

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Thiếu tướng Amir Hatamir cho biết Tehran không liên quan tới các vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.

Ông khẳng định: "Vấn đề đã rất rõ ràng: Hiện đang xảy ra một cuộc xung đột giữa hai nước Yemen và Saudi Arabia."

Trước đó, ngày 14/9 vừa qua, nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia đã bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới.

Lực lượng Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, song Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công bắt nguồn từ Yemen.

Hồi tháng trước, phiến quân Houthi cũng thừa nhận thực hiện một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Aramco tại Shaybah, gần biên giới với UAE, nhưng không gây thương vong.

Nhóm phiến quân này cũng đã tấn công hai trạm bơm dầu của đường ống dẫn dầu quan trọng tại Saudi Arabia, khiến hai trạm này phải dừng hoạt động trong nhiều ngày.

Kể từ năm 2014, theo đề nghị của chính quyền Yemen, Saudi Arabia đã thành lập và lãnh đạo liên minh quân sự Arab để chống lại phiến quân Houthi, hỗ trợ chính phủ lưu vong được cộng đồng quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi.

Cuộc chiến ở Yemen đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, với 24,1 triệu người - hơn 2/3 dân số nước này - đang cần được viện trợ khẩn cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục