Ngày 22/5, Ireland tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng giới, theo đó cử tri từ 18 tuổi trở lên sẽ tham gia trả lời câu hỏi liệu Hiến pháp nước này có nên thêm một quy định rằng "hôn nhân có thể được thực hiện phù hợp với pháp luật bởi hai người mà không phân biệt giới tính" hay không.
Các cuộc thăm dò trước trưng cầu ý dân cho thấy tỷ lệ người ủng hộ hôn nhân đồng giới ở mức cao, dao động từ 53% đến 73%.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định kết quả cuộc trưng cầu này sẽ phụ thuộc vào việc sẽ có bao nhiêu người thực sự đi bỏ phiếu.
Giới sinh viên là đối tượng ủng hộ mạnh mẽ hôn nhân đồng giới, song cuộc trưng cầu ý dân lại diễn ra trùng ngày với kỳ thi đại học. Trong khi đó, nhóm cử tri lớn tuổi là những người nhiều khả năng đi bỏ phiếu thì tỷ lệ ủng hộ hôn nhân đồng giới lại không cao.
Nếu đa số cử tri Ireland bỏ phiếu ủng hộ trao cho các cặp đồng giới quyền dân sự được kết hôn như những cặp đôi nam nữ khác thì Ireland sẽ trở thành quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới thông qua trưng cầu ý dân, thay vì thông qua văn bản luật hay qua phán quyết tòa án.
Thủ tướng Ireland Enda Kenny đã kêu gọi cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu bất luận kết quả thế nào. Các chức sắc Nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng đề nghị người dân bỏ phiếu nhưng với sự dẫn dắt của khái niệm hôn nhân theo truyền thống tôn giáo.
Tại Ireland, hôn nhân đồng giới được hầu hết các chính đảng, giới truyền thông, người lao động, nghiệp đoàn, sinh viên và các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc ủng hộ.
Những người này cho rằng chấp nhận bình đẳng hôn nhân sẽ không thay đổi khái niệm hôn nhân và đó là điều bình đẳng cho mọi công dân Ireland.
Trong khi đó, những tiếng nói phản đối chủ yếu đến từ các liên minh gia đình và các nhóm tôn giáo, cho rằng cho phép hôn nhân đồng giới sẽ thay đổi quan niệm gia đình truyền thống sang một nghĩa "không thể chấp nhận được" với nhiều người dân nước này.
Kể từ khi Hà Lan trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho phép hôn nhân đồng giới năm 2001, đã có 16 nước khác, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha, New Zealand, Canada, Argentina, Uruguay và Brazil ủng hộ việc này.
Hôn nhân đồng giới hiện vẫn bị coi là bất hợp pháp tại tất cả các nước châu Á, Trung Đông và châu Phi (trừ Nam Phi). Tại Mỹ, hôn nhân đồng giới được xem như một vấn đề của tiểu bang và vẫn bị cấm tại 13 trong số 50 tiểu bang./.