EU có thể trừng phạt hai nước vì vấn đề đồng giới

Nghị viện châu Âu đã yêu cầu EU trừng phạt Uganda và Nigeria, sau khi hai quốc gia này bỏ phiếu thông qua luật chống đồng giới.

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 13/3 đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Uganda và Nigeria, sau khi hai quốc gia này bỏ phiếu thông qua luật chống đồng giới, bằng cách chuyển hướng viện trợ phát triển cho xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ.

Trong nghị quyết được đa số các nghị sĩ thông qua, EP kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) cũng như các quốc gia thành viên EU "xem xét lại chiến lược viện trợ và hợp tác phát triển đối với Uganda và Nigeria, đồng thời ưu tiên cho việc chuyển hướng viện trợ cho xã hội dân sự và các tổ chức khác."

Theo các nghị sĩ châu Âu, luật được thông qua vào tháng 12/2013 tại Uganda và Nigeria quy định các hình thức bỏ tù đối với những người đồng giới là "vi phạm nặng nề" quyền con người.

Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Uganda đã thông qua luật tăng cường đàn áp người đồng tính, phạt tù chung thân. Đạo luật này được ban hành một tháng sau khi luật hạn chế hơn nữa quyền của những người đồng giới tại Nigeria, đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ những người bảo về quyền con người cũng như từ các chính phủ phương Tây. Một số quốc gia đã đóng băng một phần viện trợ của họ tại Kampala. Tuy nhiên, các biện pháp này hiện nay không hiệu lực.

Gần 3/4 các quốc gia châu Phi đều có luật cấm hoặc xử phạt người đồng tính. Nam Phi là quốc gia duy nhất thừa nhận hôn nhân đồng giới từ năm 2006.

Tại cuộc họp ngày 13/3, các nghị sĩ châu Âu cũng yêu cầu EC tiến hành tăng cường đối thoại khẩn cấp về chính trị với Uganda và Nigeria, trong khuôn khổ Hiệp định Cotonou ký kết giữa EU với châu Phi, Caraibes và Thái Bình Dương (ACP). Nếu các cuộc đối thoại này không mang lại kết quả, EU có thể sẽ hủy bỏ một phần hoặc hoàn toàn Hiệp định Cotonou bằng cách nêu ra những vi phạm nặng nề quyền con người theo điều 96 của Hiệp định này.

Phát biểu với tư cách đại diện cho EC, ủy viên Janusz Lewandowski cho rằng quá sớm để áp dụng ngay lập tức điều 96. Ông cho biết đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn với lãnh đạo hai quốc gia này và nhấn mạnh rằng một cuộc thảo luận khác sẽ được tiến hành vào ngày 28/3 tới với Uganda, quốc gia đang bị "đóng băng một phần" viện trợ, hiện đang chờ đàm phán cho một chương trình mới.

"Kết quả của cuộc họp này sẽ có tầm quan trọng lớn nhằm xác định mối quan hệ của chúng tôi với hai quốc gia này như thế nào trong khuôn khổ Hiệp định Cotonou" - ông Janusz Lewandowski cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục