Israel thành lập ủy ban điều tra bê bối sử dụng phần mềm gián điệp

Israel thông báo thành lập một ủy ban điều tra cấp nhà nước sau khi báo chí đưa tin về nghi vấn cảnh sát sử dụng trái phép phần mềm gián điệp Pegasus của tập đoàn NSO .
Israel thành lập ủy ban điều tra bê bối sử dụng phần mềm gián điệp ảnh 1(Nguồn: Shutterstock/Mundissima)

Israel thông báo thành lập một ủy ban điều tra cấp nhà nước sau khi báo chí đưa tin về nghi vấn cảnh sát sử dụng trái phép phần mềm gián điệp Pegasus của tập đoàn NSO để xem thư riêng của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu và nhiều nhân vật công chúng.

Nhật báo Calcalist dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết phần mềm Pegasus đã được sử dụng để "lấy cắp thông tin trước khi có bất kỳ cuộc điều tra nào được mở nhằm vào các mục tiêu này, và chưa có lệnh của tòa án"

Các mục tiêu này bao gồm con trai và hai trợ lý của ông Netanyahu, người đang phải ra hầu tòa vì các cáo buộc tham nhũng, nhiều bị cáo khác và một số nhân chứng, cũng như hai cựu quan chức bị nghi rò rỉ thông tin cho báo giới.

Các luật sư của ông Netanyahu kêu gọi ngừng tiến trình xét xử thân chủ của mình. Theo kế hoạch, các thẩm phán mở phiên xét xử trong ngày 7/2.

Thủ tướng Naftali Bennett đánh giá phát hiện của báo Calcalist "rất nghiêm trọng, nếu là đúng sự thật". Thủ tướng Bennett khẳng định: "Công cụ Peagasus và các công cụ tương tự rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm nghiêm trọng, nhưng không phải để dùng vào các chiến dịch chống lại các nhân vật nổi tiếng hoặc quan chức Israel, chính vì vậy chúng ta cần làm rõ điều gì đã xảy ra."

Về phần mình, Bộ trưởng An ninh nội địa Omer Barlev cho biết đã thành lập một ủy ban điều tra cấp nhà nước. Ông cũng lưu ý rằng các phát hiện của tờ Calcalist xảy ra trước khi chính phủ hiện nay nhậm chức.

[Cảnh sát Israel dùng phần mềm Pegasus theo dõi cả quan chức chính phủ]

Phần mềm Pegasus - có thể tự bật camera hoặc micro của điện thoại và thu thập dữ liệu - vốn là tâm điểm của một vụ bê bối trong năm ngoái sau khi một danh sách khoảng 50.000 mục tiêu giám sát tiềm năng trên toàn thế giới được công khai, trong đó có cả các nguyên thủ quốc gia, nhà báo, chính trị gia, luật sư...

NSO bị cáo buộc bán phần mềm này cho chính phủ nhiều nước và liên quan đến hoạt động nghe lén quy mô lớn nói trên. Công ty này cũng đã bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" thương mại, đồng nghĩa bị cấm mọi giao dịch với Washington.

Tuy nhiên, NSO Group khẳng định chỉ bán phần mềm vì mục đích chống tội phạm và đã chấm dứt hợp đồng với các bên lạm dụng sản phẩm trái với quy định.

Vụ việc đã khiến chính phủ của ông Bennett phải xem xét lại việc xuất khẩu phầm mềm này. Tổng thống Isaac Herzog cũng bày tỏ lo ngại, đồng thời yêu cầu phải tiến hành cuộc điều tra sâu rộng và triệt để./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục