Italy chủ trương đẩy mạnh khai thác khí đốt trong nước

Đối với Chính phủ Italy, vấn đề ưu tiên là "ngăn chặn đà tăng giá năng lượng" và "đẩy nhanh việc đa dạng hóa nguồn cung và sản xuất trong nước."
Italy chủ trương đẩy mạnh khai thác khí đốt trong nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo bài viết đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy) của tác giả Valentina Iorio, trong bài phát biểu tại Hạ viện, tân Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nói rằng: “Cơ hội có thể xuất hiện từ cuộc khủng hoảng năng lượng: Chúng ta có nhiệm vụ khai thác triệt để các mỏ khí đốt trong vùng biển quốc gia."

Đối với Chính phủ Italy, vấn đề ưu tiên là "ngăn chặn đà tăng giá năng lượng" và "đẩy nhanh việc đa dạng hóa nguồn cung và sản xuất trong nước."

Mục tiêu là rất rõ ràng, chú trọng vào việc nhanh chóng tái khởi động lĩnh vực sản xuất khí đốt quốc gia. Việc điều chỉnh lại cái gọi là Pitesai, một kế hoạch nhằm chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, vốn là một trong những mục tiêu của cựu Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Roberto Cingolani.

Cho đến tháng 6/2022, ông Cingolani đã khẳng định: "Đã đến lúc cần xem xét lại Pitesai, thông qua việc cố gắng kết hợp hai yếu tố: Cắt giảm tổng lượng khí đốt tiêu thụ và mở rộng nguồn sản xuất trong nước. Tôi sẽ nỗ lực theo định hướng này.”

Nguồn dự trữ 112 tỷ mét khối

Hồ sơ về khí đốt hiện đã được chuyển cho Bộ trưởng Môi trường và An ninh Năng lượng Gilberto Pichetto Fratin. Việc cập nhật bản đồ phân bổ các khu vực thích hợp để khai thác khí đốt có thể sẽ đưa sản lượng khí đốt của Italy tăng từ 3,3 tỷ mét khối/năm lên khoảng 6 tỷ mét khối/năm vào năm 2025 và hơn 7 tỷ mét khối/năm trong những năm sau đó.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp khoáng sản và khí đốt Italy (Assorisorse), khoảng 90 dự án thăm dò đang hoạt động ở đất liền và trên biển Italy, tại 15 vùng lãnh thổ gồm Abruzzo, Basilicata, Calabria, Campania, Emilia-Romagna, Friuli-Venezia Giulia, Lazio, Lombardy, Marche, Molise, Piedmont, Puglia, Sicily, Tuscany và Veneto.

Theo số liệu của Bộ Môi trường và An ninh Năng lượng (trước đây là Bộ Chuyển đổi Sinh thái), Italy có trữ lượng khí đốt khoảng 112 tỷ mét khối, phân bố cả trên biển và đất liền, gồm 45,775 tỷ mét khối chắc chắn khai thác được, 45,901 tỷ mét khối có nhiều khả năng thai khác và 19,912 tỷ mét khối còn lại có khả năng khai thác vừa phải.

Cũng theo Assorisorse, trong năm 2021, Italy khai thác được 3,3 tỷ mét khối khí đốt trong khi mức tiêu thụ toàn quốc là 74,1 tỷ mét khối. Năm 2000, sản lượng quốc gia từng đạt 17 tỷ mét khối song đến năm 2020, con số này đã giảm xuống chỉ còn 4 tỷ. Dữ liệu của Cơ quan điều tiết mạng lưới năng lượng và môi trường Italy (Arera) cho thấy con số này đã giảm 16,7%, đạt mức thấp nhất trong năm 2021.

Các khu vực có thể khôi phục hoạt động khai thác là eo biển Sicily và trung tâm biển Adriatic, trong khi khu vực phía Bắc biển Adriatic đang bị hạn chế.

Xung quanh đảo Sicily, các mỏ Argo và Cassiopea của Tập đoàn năng lượng quốc gia Italy (Eni) đã được cấp phép nhưng phải chờ đến năm 2024 mới có thể hoạt động đầy đủ. Trong khi đó, theo ước tính của Cơ quan phân tích thị trường năng lượng Nomisma Energia, khoảng 50 giàn khoan ngoài khơi vùng Marche có thể khôi phục hoạt động để cung cấp khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt/năm.

Chỉ riêng hai giàn khoan ngoài khơi thành phố biển Rimini đã có thể cung cấp tới 1,5 tỷ mét khối. Trong khi đó, hoạt động khoan thăm dò ở khu đồng bằng sông Po đang bị cấm bởi nguy cơ đáy đại dương hạ thấp. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng công nghệ mới có thể giảm thiểu rủi ro này. Tại khu vực này, sản lượng có thể vượt quá 1 tỷ mét khối/năm.

Sự không chắc chắn gây cản trở đầu tư

Trong khi chờ đợi những quy định mới, các nhà sản xuất rất ngại đẩy mạnh đầu tư vì họ không chắc về kết quả thu được. Lựa chọn đó đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất khí đốt tại đây.

[Chính phủ mới của Italy nỗ lực hướng tới ngân sách cân bằng]

Trên thực tế, công suất khai thác của các mỏ đã giảm 15%/ năm. Vấn đề bảo trì cũng cần được khởi động lại nhằm ngăn chặn nguy cơ sản xuất bị thu hẹp còn một nửa chỉ trong vài năm tới.

Italy chủ trương đẩy mạnh khai thác khí đốt trong nước ảnh 2Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (giữa, hàng 2) phát biểu trước Hạ viện ở Rome, ngày 25/10/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiệp hội công nghiệp (Confindustria) vùng Emilia Romagna đã nhận thấy chính sách cởi mở của Thủ tướng Meloni về đẩy mạnh khai thác khí đốt là một tín hiệu tốt lành. Tuy nhiên, theo hiệp hội này, chủ trương của chính phủ cần được sớm cụ thể hóa vì “thời gian dành cho những phát biểu đã hết” và “cần chuyển sang hành động một cách hết sức khẩn cấp."

Ông Giannantonio Mingozzi, người đứng đầu cảng Ravenna hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Meloni, đồng thời nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp nhằm tránh nguy cơ nguồn lực quốc gia trên biển Adriatic rơi vào tay các nước lân cận.

Tại Italy, phần lớn các mỏ khí đốt (70%) do Eni kiểm soát, tiếp đến là Royal Dutch Shell (16%) và phần còn lại là của các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trên đất liền, hoạt động khoan thăm dò tập trung ở các vùng Lombardy và Emilia Romagna, dọc bờ biển Adriatic cho đến các vùng Puglia, Basilicata, Calabria và nhiều khu vực ở đảo Sicily.

Theo Pitesai, trữ lượng khí đốt lớn nhất hiện nằm ở phía Nam (chiếm 60,641 trong tổng số 66,245 tỷ mét khối) so với phần còn lại khá hạn chế ở miền Bắc (4,82 tỷ mét khối) và miền Trung (0,784 tỷ mét khổi).

Trên biển, khí đốt chủ yếu được phát hiện dọc bờ biển Adriatic, từ Venice đến Molise, và ngoài khơi thành phố Brindisi. Ngoài ra, một số mỏ khí đốt cũng đã được tìm thấy ở khu vực ngoài khơi Crotone (vùng Calabria) và một số khác ở gần Gela (Sicily)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục