Ngày 20/6, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini đã kiên quyết không cho phép một tàu cứu người di cư đi vào lãnh hải của nước này. Động thái này diễn ra đúng vào Ngày Thế giới vì người tị nạn.
Phát biểu trên đài RadioUno, ông Salvini khẳng định: "Tôi sẽ không cho phép lên bờ những người không tuân thủ luật pháp."
Tàu Sea-Watch 3, treo cờ Hà Lan, đang bị "mắc kẹt" trên Địa Trung Hải sau khi cứu 53 người di cư trôi dạt trên một chiếc xuồng cao su ở ngoài khơi bờ biển Libya ngày 12/6.
Tuy nhiên, ngày 15/6, 10 người trong số này, bao gồm hai phụ nữ đang mang thai, đã được phép đến đảo Lampedusa, nằm giữa Italy và bờ biển Bắc Phi. 43 người còn lại, trong đó có sáu phụ nữ và bốn em nhỏ không có người đi cùng.
[Italy thông qua sắc lệnh khẩn cấp hạn chế tàu thuyền đi vào lãnh hải]
Tàu Sea-Watch 3 từ chối đưa người di cư trở lại Libya, nơi đang xảy ra xung đột, đồng thời khẳng định rằng Tripoli không phải là một cảng an toàn để họ trở về.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Salvini đã ký sắc lệnh an ninh cấm tàu Sea-Watch 3 đi vào, trung chuyển và cập cảng trong lãnh hải Italy. Sắc lệnh này vẫn cần chờ được Quốc hội Italy phê chuẩn, nơi liên minh cầm quyền đang nắm đa số vững chắc.
Trong khi tàu Sea-Watch 3 đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã hộ tống 45 người di cư ra biển sau khi họ vượt Địa Trung Hải đến Lampedusa trên một con thuyền gỗ. Trong số này có hai trẻ em và một phụ nữ đang mang thai, đến từ Cote d'Ivoire, Kenya, Senegal và Somalia, và có biểu hiện mất nước khi đến.
Trong diễn biến khác cùng ngày, người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Carlotta Sami cho biết "nhân Ngày Thế giới vì người tị nạn, chúng ta ca ngợi lòng dũng cảm của những người buộc phải trốn chạy. Một thế giới không trao cho họ chỗ ở, không cứu vớt họ, đóng cửa với người nước ngoài, là một thế giới đen tối và u ám."
Trong năm 2014, hơn 12.000 người đã thiệt mạng khi chạy khỏi Libya để sang châu Âu bằng cách vượt qua vùng biển nguy hiểm nhất thế giới./.