Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Turin-Lyon là một trong những ưu tiên nhằm phát triển cấu trúc hạ tầng giao thông châu Âu.
Tuyên bố trên được đưa ra trong thông cáo chung sau cuộc họp thượng đỉnh Italy-Pháp ngày 20/11 tại Rome, với sự tham dự của Thủ tướng nước chủ nhà Enrico Letta và Tổng thống Pháp Francois Hollande, cùng 22 bộ trưởng của hai nước.
Hai bên nêu rõ tầm quan trọng của việc châu Âu hỗ trợ tài chính cho dự án trên. Italy và Pháp dự kiến sẽ trình lên Ủy ban châu Âu một văn kiện chung về vấn đề này.
Tại cuộc họp thượng đỉnh này, hai bên cũng thảo luận một loạt vấn đề cùng quan tâm, như nhập cư, tăng trưởng kinh tế, tình trạng thất nghiệp trong thanh niên, cuộc khủng hoảng Syria...
Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra cuộc họp, tại Italy đã diễn ra cuộc tuần hành phản đối việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Turin-Lyon, chạy qua thung lũng Susa, gần thành phố Turin.
Những người biểu tình tại Italy cho rằng dự án có thể hủy hoại môi trường, đồng thời chi phí dành cho dự án này quá đắt đỏ và không hợp lý trong khi đất nước đang gồng mình vượt qua cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Đụng độ đã xảy ra buộc cảnh sát phải bắt giữ một số phần tử quá khích.
Pháp và Italy ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường nói trên từ năm 2001 nhằm mở ra một tuyến giao thông hiện đại và nhanh hơn nối hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu.
Dự án có chi phí lên tới 15 tỷ euro (21,3 tỷ USD) này được cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ủng hộ. Tuy nhiên, phong trào phản đối dự án này hiện đã lan ra ngoài khu vực trên./.