Italy tiến những bước đầu tiên tới cải cách hệ thống chính trị

Thượng viện Italy đã thông qua toàn văn dự luật cải cách Hiến pháp, được cho là một bước quan trọng nhằm cải tổ hệ thống chính trị quan liêu, tốn kém và cồng kềnh.
Italy tiến những bước đầu tiên tới cải cách hệ thống chính trị ảnh 1Quốc hội Italy. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 13/10, trong lần đọc thứ ba, với 179 phiếu thuận, 16 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Thượng viện Italy đã thông qua toàn văn dự luật cải cách Hiến pháp, được cho là một bước quan trọng nhằm cải tổ hệ thống chính trị quan liêu, tốn kém và cồng kềnh của Italy, trong đó có việc hạn chế quyền lực của Thượng viện.

Nếu trở thành luật, cải cách Hiến pháp sẽ tạo ra một thay đổi quan trọng trong cấu trúc nền chính trị Italy.

Theo đó, trong các nội dung quan trọng nhất, Hạ viện sẽ trở thành cơ quan có quyền lực lớn nhất và cũng là viện duy nhất trong Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm với chính phủ và có 630 thành viên, được cử tri bầu trực tiếp.

Thượng viện sẽ giảm số nghị sỹ từ 320 hiện tại xuống còn 100 thành viên, với 74 quan chức cao cấp nhất của các vùng, 21 thị trưởng các thành phố lớn nhất của các vùng lãnh thổ và 5 Thượng nghị sỹ do Tổng thống bổ nhiệm trong thời hạn 7 năm.

Thượng viện sẽ chỉ còn đóng vai trò là đại diện cho các vùng của Italy. Việc bầu Thượng nghị sỹ sẽ được tiến hành trong bầu cử cấp vùng.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã ca ngợi việc Thượng viện thông qua dự thảo của dự luật Boschi, mang tên Bộ trưởng Cải cách Marina Elena Boschi, cho rằng đây là một bước quan trọng để tiến tới một nước Italy đơn giản hơn và mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, các đảng phái đối lập đã phản đối dự luật này. Nhiều Thượng nghị sỹ của các đảng Phong trào 5 Sao (M5S) và Forza Italia đã bỏ ra ngoài trước thời điểm bỏ phiếu.

Trước đó, các đảng đối lập đã đưa ra nhiều sửa đổi trong văn bản dự thảo luật với hy vọng sẽ ngăn cản bước tiến của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền trong việc trình dự luật, khiến cho việc hai viện Quốc hội đọc các dự thảo trở nên lâu hơn.

Việc Thượng viện thông qua ở lần đọc thứ 3 này do đó được coi là một thắng lợi của đảng Pd và chính phủ trong thời điểm mà phe đối lập tìm mọi cách để ngăn cản các cải cách mà họ đang thực hiện, đồng thời khẳng định rằng, uy tín của họ vẫn còn rất cao.

Tuy nhiên, rất khó có khả năng các cử tri Italy có thể được thấy một Thượng viện mới trước năm 2020, do danh sách các Thượng nghị sỹ phụ thuộc vào cuộc bầu cử cấp vùng theo các lịch bỏ phiếu khác nhau.

Sau khi Thượng viện thông qua dự thảo luật trong lần đọc thứ ba, dự luật sẽ được chuyển xuống Hạ viện đọc lần cuối cùng, trước khi khép lại vòng đọc đầu tiên vào tháng 1/2016.

Ba tháng sau đó, sẽ là vòng đọc thứ hai trong lưỡng viện. Sau đó, chính phủ sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến vào tháng 6/2016 xung quanh cải cách Hiến pháp.

Đó sẽ là cuộc trưng cầu dân ý thứ 3 liên quan đến vấn đề này và nếu mọi việc suôn sẻ, cải cách sẽ được thông qua vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục