KDI: Dấu hiệu kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm lại đang giảm dần​

Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc, động lực tăng trưởng chính, đã tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 55,8 tỷ USD, ghi nhận tháng tăng thứ hai.

Cảng hàng hóa Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảng hàng hóa Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo đánh giá kinh tế hàng tháng, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 7/12 cho biết những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại đang giảm dần nhờ hoạt động xuất khẩu tăng.

Tuy vậy, tiêu dùng và đầu tư trong nước vẫn yếu trong bối cảnh lãi suất cao.

KDI cho biết xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính, đã tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 55,8 tỷ USD, ghi nhận tháng tăng thứ hai.

Theo dữ liệu của chính phủ, mức tăng này là nhờ doanh số bán chất bán dẫn tăng trở lại, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022.

Hàn Quốc đã chứng khiến hoạt động xuất khẩu sụt giảm trong suốt một năm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Hoạt động xuất khẩu đã lần đầu tiên tăng trở lại trong tháng 10/2023. Chính phủ và các chuyên gia cho rằng xuất khẩu đã chạm đáy và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Báo cáo trên cho biết lãi suất tiếp tục ở mức cao làm cản trở hoạt động tiêu dùng và khiến các điều kiện đầu tư xấu đi, đầu tư thiết bị cũng giảm và lượng hàng tồn kho chất bán dẫn ở mức cao.

Doanh số bán lẻ, thước đo chi tiêu cá nhân, giảm 0,8% so với tháng trước trong tháng 10/2023 do nhu cầu thực phẩm và các hàng hóa không lâu bền khác yếu.

So với một năm trước, doanh số bán lẻ giảm 4,4% trong tháng 10, so với mức giảm 2% của tháng trước đó, do nhu cầu về đồ gia dụng và hàng hóa lâu bền khác, cũng như quần áo, thực phẩm và các mặt hàng khác đều giảm.

Đầu tư cơ sở vật chất cũng giảm 3,3% trong tháng 10 so với tháng trước và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do đầu tư vào lĩnh vực máy móc và ôtô giảm.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 3,5% kể từ tháng 1/2023.

BoK đã giữ nguyên lãi suất trong bảy cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp, nhưng đây là mức cao nhất kể từ năm 2008.

KDI cho biết kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới do chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài đã ảnh hưởng đến ngành sản xuất và doanh số bán lẻ ở các quốc gia lớn.

Cùng ngày, cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết nợ hộ gia đình của nước này trung bình ở mức 91,86 triệu won (khoảng 69.000 USD)/hộ gia đình tính đến cuối tháng 3/2023, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm tước, do mọi người vay để mua nhà và trang trải chi phí sinh hoạt.

Trong số trên, 72,9% khoản nợ, tương đương 66,94 triệu won là các khoản vay từ các tổ chức tài chính, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Số còn lại là tiền đặt cọc thuê nhà được trả lại sau này.

Tỷ lệ nợ trên tài sản của các hộ gia đình trong năm 2023 ở mức 17,4%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với một năm trước đó.

Số liệu của cơ quan thống kê cũng cho thấy tính đến cuối tháng 3/2023, một hộ gia đình ở Hàn Quốc nắm giữ tài sản trị giá 527,27 triệu won, giảm 3,7% so với một năm trước đó.

Thu nhập của một hộ gia đình trung bình ở Hàn Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ lên 67,62 triệu won, bao gồm 43,90 triệu won từ thu nhập kiếm được và 12,06 triệu won từ doanh thu kinh doanh.

Số liệu cho thấy 17% gia đình có chủ hộ là đã nghỉ hưu, nghỉ việc ở tuổi 62,7, trong khi 58,4% trong số họ cho biết họ thiếu tiền để kiếm sống.

Cơ quan Thống kê Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát chung với BoK và Cơ quan Giám sát Tài chính đối với 20.000 hộ gia đình trên cả nước từ ngày 31/3 đến ngày 17/4/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục