Kế hoạch phát triển năng lượng của các nước APEC đến năm 2050

Đến năm 2050, tổng nguồn cung dầu trong khu vực APEC tăng từ 8-10 tỷ tấn. Trung Quốc và Đông Nam Á sẽ tiêu thụ khoảng 70% tổng khối lượng khai thác bổ sung.
Kế hoạch phát triển năng lượng của các nước APEC đến năm 2050 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trung tâm phân tích trực thuộc Chính phủ Nga vừa tổ chức hội thảo chuyên gia về đề tài bối cảnh phát triển thị trường năng lượng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đến năm 2020 vào ngày cuối tháng 11.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo xoay quanh một loạt nội dung, bao gồm các nước APEC sẽ thay đổi mức tiêu thụ điện vào năm 2050 như thế nào? Những nền kinh tế nào sẽ cho thấy sự tăng trưởng lớn nhất? Triển vọng cho năng lượng tái tạo là gì?

Một trong những diễn giả chính của hội thảo, ông David Wogan, Trợ lý Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á-Thái Bình Dương, cho biết dân số tại các nước APEC sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt đỉnh vào đầu những năm 2040.

Đến năm 2050, Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia APEC sẽ tăng gần 3 lần.

[APEC chưa quyết định về đề nghị đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh]

Theo chuyên gia David Wogan, các lĩnh vực xây dựng và giao thông sẽ đòi hỏi nguồn cung năng lượng lớn nhất trong giai đoạn này.

Trong lĩnh vực xây dựng nhu cầu sẽ tăng 28%. Nếu tính cả vận tải hàng không và hàng hải quốc tế, thì tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong lĩnh vực này sẽ lên tới 30%. Trong ngành công nghiệp, nhu cầu năng lượng sẽ vẫn ổn định ở mức cao.

Hiện tại, Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong khu vực APEC và sẽ tiếp tục duy trì đà này cho đến năm 2050. Đông Nam Á sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất nhờ sự gia tăng mạnh về dân số và hoạt động kinh tế.

GDP ở Đông Nam Á sẽ tăng khoảng 3 lần và nhu cầu năng lượng sẽ tăng khoảng 2 lần.

Đến năm 2050, tổng nguồn cung dầu trong khu vực APEC tăng từ 8-10 tỷ tấn. Trung Quốc và Đông Nam Á sẽ tiêu thụ khoảng 70% tổng khối lượng khai thác bổ sung.

Nhìn chung, theo David Wogan, nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn chiếm ưu thế trong toàn bộ nguồn cung năng lượng. Sản lượng khai thác than sẽ giảm, và khai thác khí sẽ tăng. Điều này là do chi phí khai thác khí đốt thấp hơn và sự phát triển của công nghệ khai thác khí đá phiến.

Chuyên gia David Wogan cho rằng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất.

Tuy nhiên, sự lan rộng của năng lượng tái tạo sẽ nảy sinh các vấn đề với việc duy trì độ tin cậy của các nguồn năng lượng này và sự tích hợp của chúng vào các hệ thống năng lượng hiện có. Những vấn đề này sẽ buộc chúng ta phải tìm cách giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục