Sốt xuất huyết đang ngày càng diễn biến khó lường và trở thành gánh nặng trầm trọng cho hệ thống y tế Việt Nam, với số lượng ca mắc cao và có ca tử vong.
Giải pháp phòng ngừa hiệu quả cần kết hợp giữa kiểm soát vật trung gian truyền bệnh và tiêm vaccine.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 22.000 ca mắc và 3 ca tử vong. Bệnh lưu hành phổ biến khắp các tỉnh thành, với cả 4 tuýp virus Dengue hiện diện.
Đây là nội dung chính trong buổi tọa đàm do VietnamPlus tổ chức với chủ đề "Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi và tiêm vaccine dự phòng" với sự tham gia của các chuyên gia y tế hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức cũng như đưa ra các giải pháp hiệu quả cho việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hai khách mời: Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Quang Thái (Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và Bác sỹ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền Nhiễm TPHCM, Nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh Viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia cho biết bệnh sốt xuất huyết không còn phát triển theo chu kỳ mà thay đổi theo biến đổi khí hậu và môi trường.
Mưa nắng thất thường làm tăng nguy cơ bùng phát dịch từ tháng 7 đến tháng 11. Đặc biệt, những đối tượng như người già, người có bệnh nền và trẻ em cần được lưu tâm nhiều hơn vì nguy cơ bệnh biến chuyển nặng cao.
Chia sẻ về công tác đẩy lùi dịch bệnh, các chuyên gia nhấn mạnh nhận thức chưa đúng và sự chủ quan của cộng đồng đang là rào cản lớn trong phòng chống sốt xuất huyết.
Nhiều người dân chưa hiểu rõ hoặc hiểu chưa đúng về nguyên nhân, cách thức lây truyền và các biện pháp phòng ngừa bệnh.
Để khắc phục vấn đề này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về sốt xuất huyết. Bên cạnh nâng cao nhận thức, việc thực hành đồng bộ các giải pháp phòng chống đóng vai trò then chốt trong phòng chống sốt xuất huyết.
Các chuyên gia nhấn mạnh tại tọa đàm, giải pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả cần kết hợp giữa kiểm soát vật trung gian truyền bệnh và chủ động tạo kháng thể bằng vaccine mới được phê duyệt để giảm thiểu gánh nặng do căn bệnh này gây ra.
Buổi tọa đàm cung cấp cái nhìn toàn diện về thực trạng và các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, khuyến khích sự chung tay của cộng đồng để đạt hiệu quả phòng bệnh tối ưu.
* Nội dung này được bảo trợ bởi Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam.
Bộ Y tế cấp phép vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa cấp phép vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất, loại vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam cho cá nhân mà không cần xét nghiệm trước khi tiêm.