Kêu gọi trí thức tại Đức về nước phát triển khoa học công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ kêu gọi các nhà khoa học, các trí thức người Việt trên toàn thế giới tích cực tham gia vào 2 dự án FIRST và V-KIST nhằm phát triển nền khoa học công nghệ Việt Nam.
Kêu gọi trí thức tại Đức về nước phát triển khoa học công nghệ ảnh 1Trưởng đoàn công tác, tiến sỹ Phạm Ngọc Song giới thiệu dự án FIRST tại cuộc tọa đàm. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Cộng hòa Liên bang Đức từ 27-30/11, đoàn cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cuộc tọa đàm với giới trí thức người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức nhằm giới thiệu và kêu gọi các nhà khoa học Việt kiều tham gia vào các dự án phát triển công nghệ trong nước.

Tại cuộc tọa đàm diễn ra tại trụ sở Đại sứ quán ở Berlin, Trưởng đoàn công tác, tiến sỹ Phạm Ngọc Song đã trình bày tổng quan sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam cũng như giới thiệu về hai dự án đang được triển khai là Dự án "Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ" (FIRST) và Dự án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST).

Ông kêu gọi các nhà khoa học, các trí thức người Việt trên toàn thế giới nói chung và tại Đức nói riêng tích cực nghiên cứu để tham gia vào hai dự án này nhằm giúp phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà.

FIRST là dự án đầu tiên vay vốn ODA (của Ngân hàng Thế giới) để phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam. Dự án được bắt đầu triển khai từ 1/2014 và sẽ kết thúc trước 6/2019 với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD.

Mục tiêu dài hạn của dự án là góp phần nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Cụ thể, FIRST sẽ xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách mới góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học công nghệ theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp.

Ngoài ra, FIRST cũng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Chị Phạm Thị Thúy Diệp, điều phối viên dự án FIRST, cho biết mục tiêu lớn nhất của dự án là phát triển khoa học công nghệ xuất phát từ sự kết nối, mối tương tác giữa nghiên cứu khoa học với thực tế cuộc sống, qua đó giúp các nhà khoa học và các doanh nghiệp gắn kết với nhau, giúp các sản phẩm nghiên cứu bám sát với thực tế hơn.

Anh Bùi Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn và phụ trách hợp phần dự án FIRST cho rằng dự án được triển khai trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới và do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ mới để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh một cách hiệu quả và bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Dự án FIRST, dự án hải đăng trong nghiên cứu khoa học công nghệ kết hợp giữa nhà khoa học với các viện nghiên cứu cùng các doanh nghiệp và nhà sản xuất, được kỳ vọng tạo cú hích nhằm mang lại hiệu ứng lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế.

Dự án kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trên toàn thế giới, đặc biệt là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, về nước làm việc, thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thông qua các đơn vị trong nước.

Trước mắt, FIRST sẽ tiến tới lập một hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên gia trên toàn thế giới.

Các chuyên gia, nhà khoa học người Việt khi về nước tham gia dự án sẽ được tài trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian làm việc với phía đối tác Việt Nam. Dự án cũng tài trợ cho các nhu cần thiết yếu như mua sắm thiết bị, đào tạo lực lượng giúp việc cho chuyên gia.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và các đại biểu là trí thức người Việt ở Đức cũng trao đổi về một số vấn đề cụ thể liên quan tới dự án FIRST.

Các đại biểu cũng bày tỏ xúc động và vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới lực lượng trí thức người Việt ở nước ngoài và kỳ vọng vào tính hiệu quả của dự án FIRST mang lại cho sự phát triển khoa học công nghệ ở nước nhà.

Nhân dịp này, phía Bộ Khoa học và Công nghệ cũng giới thiệu dự án V-KIST về xây dựng một viện khoa học công nghệ theo mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Mục tiêu của dự án với tổng số vốn 70 triệu USD này là trở thành một viện nghiên cứu công nghệ ứng dụng đa ngành, hoạt động theo cơ chế đặt hàng.

V-KIST hoạt động với cơ chế tài chính đặc biệt, tự chủ về chi tiêu, quản lý tài sản và đây là cơ chế chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Mức lương của các chuyên gia giỏi khi làm việc tại Viện có thể lên tới 5.000-7.000 USD/tháng, ngoài ra còn được hưởng vô số ưu đãi, được tạo điều kiện làm việc tốt nhất.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng kêu gọi giới trí thức, nhà khoa học người Việt tại Đức nghiên túc nghiên cứu tham gia vào dự án này.

Tại Đức, đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tới làm việc với một số cơ quan, ban ngành của Đức như Bộ Kinh tế và Năng lượng, trường Đại học Kỹ thuật Berlin./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục