Khả năng giải quyết căng thẳng thương mại giữa EU và Trung Quốc

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết không thấy bất kỳ cơ hội lớn nào để có thể giải quyết mâu thuẫn về thương mại giữa EU và Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh.

Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 21/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck, cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới, ông không mong đợi đạt được giải pháp cho căng thẳng thương mại hiện nay giữa quốc gia châu Á này với Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể, phát biểu ngày 21/6 tại Hàn Quốc, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Á, ông Habeck cho biết không thấy bất kỳ cơ hội lớn nào để có thể giải quyết mâu thuẫn về thương mại giữa EU và Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh.

Ông Habeck khẳng định sẽ không thể đàm phán thay cho EU, đồng thời lưu ý rằng đây là nhiệm vụ của Ủy ban châu Âu (EC).

Tuy nhiên, là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tiếng nói của Đức có sức nặng đặc biệt. Ông Habeck kỳ vọng chuyến thăm Trung Quốc của ông có thể thiết lập các định dạng hướng tới giải pháp trong tương lai gần.

Trong khi đó, tờ Thời báo hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn một số nhận định chuyên gia cho rằng chuyến thăm của ông Habeck tới Trung Quốc là cơ hội để Đức tìm kiếm sự đồng thuận.

Ông Habeck sẽ đến Bắc Kinh trong ngày 21/6, gặp gỡ đại sứ của các nước EU tại Trung Quốc. Chuyến đi của ông Habeck diễn ra một tuần sau khi EC đề xuất áp mức thuế lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, động thái có thể đưa quan hệ kinh tế giữa EU và Trung Quốc xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Về vấn đề này, cũng trong ngày 21/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng EU đang tiếp tục leo thang căng thẳng về thương mại với nước này, cảnh báo đây là động thái có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại.

Người phát ngôn bộ trên nêu rõ Trung Quốc hy vọng hai bên có thể dung hòa quan điểm, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tránh leo thang căng thẳng thương mại hoặc để căng thẳng vượt kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục