Chống khác thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã được ngành thủy sản Việt Nam thực hiện ráo riết trong hơn 5 năm qua.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, “thẻ vàng IUU” vẫn còn tiếp tục treo, ngành thủy sản, chính quyền địa phương vẫn phải đồng lòng nỗ lực thực hiện, cùng bắt tay trong chống khai thác bất hợp pháp mới sớm giải quyết được tình trạng vi phạm.
Không thực hiện đơn lẻ
Chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định vốn được các địa phương chung tay thực hiện. Thế nhưng, nếu chỉ thực hiện đơn lẻ, thì việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện, ngư dân của từng địa phương cũng chỉ được tuyên truyền trong phạm vi địa phương, mặc dù đây là vấn đề lớn của toàn nghề cá.
Để có thể thực hiện hiệu quả hơn, sớm đạt được kết quả gỡ bỏ "thẻ vàng IUU" của châu Âu, nhiều địa phương đã cùng nhau, hợp tác trong tuyên truyền, thực hiện chống khai thác bất hợp pháp.
Điển hình trong thời gian qua, hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã phối hợp trong kiểm tra, giám sát tàu cá ra khơi khai thác hải sản. 2 tỉnh có chung ngư trường biển Tây Nam rộng lớn, ngoài hàng ngàn phương tiện của hai địa phương còn có rất nhiều phương tiện của các tỉnh khác cũng về đây khai thác.
Thời gian qua, tình hình trên biển giáp ranh giữa 2 địa phương có nhiều diễn biến phức tạp, có tình trạng trộm, cướp ngư cụ, độc chiếm ngư trường để bảo kê, khai thác tận diệt dẫn đến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, kéo theo việc xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác không khai báo…
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chia sẻ, 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã ký kết hợp tác, phối hợp tuần tra trong việc chống khai thác bất hợp pháp tại khu vực biển Tây vào năm 2020.
Thời gian qua, 2 tỉnh cũng đã tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển từ Kiên Giang đến Cà Mau, thăm hỏi, động viên, tặng cờ tổ quốc và thư kêu gọi của lãnh đạo tỉnh về thực hiện tốt Luật Thủy sản, chống khai thác IUU đến bà con ngư dân đang hoạt động khai khai thác thủy sản trên biển.
Mục tiêu đặt ra là nắm tình hình hoạt động nghề cá trên biển, những khó khăn vướng mắc của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, để từ đó có những đánh giá, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, sự phối hợp này cũng là cơ hội để 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác chống khai thác IUU.
Tại Cà Mau, đến nay 100% phương tiện khai thác thuộc diện bắt buộc đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Tuy nhiên, qua giám sát trong thời gian qua, ngành chức năng phát hiện nhiều tàu cá bị mất tín hiệu kết nối ngoài khơi, kêu gọi 84 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển quay trở về vùng biển Việt Nam.
[Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm]
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật, tỉnh đã rất quyết tâm và mạnh tay trong xử lý vi phạm, thông qua xử lý hành chính chủ phương tiện vi phạm hàng tỷ đồng, đồng thời tịch thu phương tiện khai thác.
Ông Sử kêu gọi các chủ tàu đừng vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến ngành kinh tế thủy sản nước nhà, hình ảnh của quốc gia.
Quyết tâm thực hiện nghiêm các tiêu chí
Qua những nỗ lực của các địa phương, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, chưa đạt được mục tiêu như Thủ tướng giao (chấm dứt trước 30/12/2021).
Cụ thể, cho đến nay, cả nước vẫn xảy ra 75 vụ/104 tàu/919 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tập trung tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, sau chuyến kiểm tra hồi tháng 11/2022, phía châu Âu cho Việt Nam thời gian 6 tháng để giải quyết những tồn tại cần khắc phục trong khuyến nghị.
Đây là khoảng thời gian quan trọng quyết định ngành thủy sản có gỡ được "thẻ vàng" sau 5 năm kiên trì, nỗ lực hay không. Do đó, cả hệ thống chính trị và từng người dân cần vào cuộc quyết liệt, thực hiện tốt các nội dung khuyến nghị của châu Âu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã họp với các đơn vị chuyên môn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp.
Trong bản kế hoạch hành động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nêu nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, đơn vị, đề cập sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như hải quan, cảnh sát biển, biên phòng… Mục tiêu là để nỗ lực ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép ở nước ngoài, quyết tâm chấm dứt tình trạng này trước 31/3/2023.
Để thực hiện ráo riết hơn, bởi Việt Nam không còn nhiều thời gian trong giám sát, kiểm tra tình trạng vi phạm chống khai thác bất hợp pháp theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, Bộ Nông nghiệp cũng khẳng định rõ trách nhiệm của từng địa phương có biển, từ Ủy ban Nhân dân tỉnh đến từng xã, phường, thị trấn được đặt lên hàng đầu.
Người đứng đầu cấp xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc lập danh sách tàu cá, chủ tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình... gửi về Bộ Nông nghiệp và Bộ Quốc phòng để theo dõi, quản lý.
Đặc biệt, các đơn vị cũng phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, cùng chung tay vào hoạt động chống khai thác bất hợp pháp (IUU), ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp sẽ tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tại địa phương, đồng thời tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá.
Trường hợp địa phương nào có tàu cá vi phạm, người đứng đầu địa phương, Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm. Có như vậy, Việt Nam mới có thể xử lý vấn đề chống khai thác bất hợp pháp trong thời hạn ngắn ngủi mà châu Âu cho phép./.