Khắc phục thẻ vàng IUU tại Khánh Hòa: Giải pháp lâu dài

Tỉnh Khánh Hòa đầu tư trang thiết bị và bố trí cán bộ trực ban 24/7 nên sẽ kịp thời nhắc nhở đối với các tàu cá hoạt động tại các vùng giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Khắc phục thẻ vàng IUU tại Khánh Hòa: Giải pháp lâu dài ảnh 1Ngư dân Khánh Hòa đưa cá lên bờ. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tuyên truyền đến từng chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân các quy định về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức; đồng thời, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm.

Nâng cao ý thức người dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, đến nay 100% số tàu cá trên địa bàn tỉnh đã được cấp đăng ký; cấp phép khai thác thủy sản đạt 99,53%.

Các tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 98,39%. Cùng với đó, số liệu tàu cá được cập nhập trên phần mềm Vnfishbase đầy đủ.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết để giám sát tàu cá hoạt động trên biển, Trung tâm giám sát tàu cá, thuộc Chi cục Thủy sản đã được đầu tư trang thiết bị và bố trí cán bộ trực ban 24/7, cũng như duy trì việc thông tin liên lạc với gia đình chủ phương tiện, thuyền viên. Nhờ vậy, đơn vị nhắc nhở kịp thời đối với các tàu cá hoạt động tại các vùng giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

[Khắc phục "thẻ vàng": Hiệu quả từ nâng cao ý thức cho ngư dân]

“Chúng tôi kiên quyết không cho các tàu cá xuất bến khi chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU. Trạm bờ quản lý tàu cá, các văn phòng đại diện, các lực lượng chức năng trực 24/24 để giám sát quá trình hoạt động các tàu cá khai thác trên biển, ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ vi phạm khai thác IUU. Khi tàu ra vào cảng đã được kiểm soát chặt chẽ 100%,” ông Chánh chia sẻ.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết thêm từ năm 2018 đến nay không có tàu cá Khánh Hòa vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Tính đến ngày 13/12, tổng sản lượng qua các cảng đạt trên 42.500 tấn hải sản với trên 3.280 lượt tàu cập cảng.

Sản lượng qua cảng của các tàu cá đảm bảo được công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác làm căn cứ cho việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản.

Để đạt được kết quả trên, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên phối hợp tuyên truyền đến từng chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân các quy định về hoạt động chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức, chú trọng phương tiện truyền thông.

Tỉnh tổ chức 17 lớp tuyên tuyền về Luật Thủy sản và chống khai thác IUU cho các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; lắp đặt hàng chục pano tuyên truyền về Luật thủy sản 2017 và chống hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp…

Đến nay, các chủ tàu, thuyền trưởng tất cả các tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa đã ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm

Để xử lý các tàu vi phạm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp lực lượng Biên phòng và các địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác IUU trên biển.

Khắc phục thẻ vàng IUU tại Khánh Hòa: Giải pháp lâu dài ảnh 2Tàu cá neo đậu tại Cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Thời gian qua, các hành vi vi phạm chủ yếu là người làm việc trên tàu cá không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, khai thác thủy sản sai vùng…

Trong năm 2022, lực lượng chức năng đã xử phạt trên 700 triệu đồng đối với 70 trường hợp; kiểm tra hành chính trên 770 phương tiện; tạm giữ 20 tang vật (bao gồm 16 lồng cào, 4 bộ kích điện), tịch thu 23 súng điện, kích điện.

Bên cạnh đó, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt tàu cá xuất nhập bến tại các cảng cá và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm hoạt động khai thác IUU.

Kết quả đã xử lý trên 320 triệu đồng đối với 20 trường hợp có các hành vi không khai báo khi cập cảng, ghi chép nhật ký khai thác không đầy đủ, không duy trì thiết bị VMS, không cập cảng chỉ định, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, lực lượng Biên phòng đã lập biên bản làm việc 92 trường hợp về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình và vượt vùng biển tự do khai thác.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết mới đây qua kiểm tra về thực hiện khuyến nghị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Đoàn thanh tra EC đánh giá hồ sơ sổ sách ghi chép, lưu trữ, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, tổng hợp truy xuất dữ liệu kịp thời; cán bộ thực hiện nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ. Hồ sơ Chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản minh bạch, rõ ràng, được lưu trữ đầy đủ, có hệ thống, đảm bảo được công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản nhanh chóng, chính xác.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, từ thực tiễn cho thấy sự đồng hành của cộng đồng ngư dân là yếu tố rất quan trọng trong công tác chống khai thác IUU.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nghề cá, cảng cá cũng được đầu tư nâng cấp để đáp ứng cho hoạt động tàu cá xuất cập cảng, đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, nhiệm vụ chống khai thác IUU của tỉnh vẫn gặp không những khó khăn.

Vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực (Indonexia, Malayxia, Brunei, Philippine…) chưa được phân định vì vậy tàu cá ngư dân Việt Nam hoạt động trong các vùng này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại cuộc họp vào đầu tháng 12 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm đàm phán phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan nhằm quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển tốt hơn, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ngư dân và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước, cũng như kịp thời hỗ trợ, cứu hộ tàu cá khi gặp nạn trên biển.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa còn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cá Đá Bạc-Cam Ranh trở thành Trung tâm nghề cá lớn tạo động lực thu hút đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục