Khách hàng Đức lại mua khí tự nhiên qua Dòng chảy phương Bắc 1

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vận chuyển khí tự nhiên từ Nga qua Biển Baltic đến Đức và bán cho các khách hàng châu Âu.
Khách hàng Đức lại mua khí tự nhiên qua Dòng chảy phương Bắc 1 ảnh 1Đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các khách hàng tại Đức đã nối lại lệnh đặt mua khí tự nhiên qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 của Nga, 3 tuần sau khi đường ống quan trọng này ngừng hoạt động.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vận chuyển khí tự nhiên từ Nga qua Biển Baltic đến Đức và bán cho các khách hàng châu Âu.

Tuy nhiên, Nga đã ngừng bơm khí đốt vào hệ thống này từ ngày 31/8 với lý do bảo dưỡng đường ống.

Theo công ty điều hành đường ống dẫn khí đốt OPAL của Đức, bên mua đã đặt hàng 3.652.554 kwh/h khí đốt trong thời gian 8h00-9h00 giờ CET (GMT+2 - theo giờ của các nước Trung Âu - tức 17h00 -18h00 giờ Hà Nội) ngày 19/9 để giao hàng qua đường ống của OPAL ở Đông Đức.

[Thủ tướng Đức tuyên bố có đủ năng lượng vượt qua mùa Đông]

Trong khi đó, Công ty Khí tự nhiên Bắc Âu (NEL) cho biết các bên mua khí gas của NEL đã đặt mua 14.291.845 kwh/h cũng trong thời gian trên.

Các lệnh đặt mua chỉ là đề nghị cung cấp khí đốt, không đồng nghĩa với việc khí đã được bơm vào hệ thống trên thực tế.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn gấp đôi từ đầu năm đến nay do nguồn cung từ Nga giảm.

Ngày 16/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nếu Liên minh châu Âu (EU) muốn có thêm khí đốt thì phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vốn đang ngăn cản đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vận hành.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, một nghiên cứu của công ty tư vấn Yakov&Partners cảnh báo các quốc gia châu Âu sẽ không thể trải qua mùa Đông sắp tới và năm 2023 nếu không có khí đốt của Nga, hoặc sẽ phải chứng kiến sự suy giảm đáng kể của nền kinh tế khu vực.

Nghiên cứu của Yakov&Partners cho thấy các kho chứa khí đốt dưới lòng đất ở châu Âu đã đạt sức chứa 5% vào giữa tháng Chín nhờ đa dạng nguồn cung và giảm tiêu thụ khí đốt trong công nghiệp.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa thể vượt qua sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Yakov&Partners dự báo EU sẽ thiếu hụt ít nhất 10 tỷ m3 trong mùa Đông tới.

Các chuyên gia dự báo: “Để đáp ứng như cầu về nhiên liệu xanh cho đến cuối năm 2022, các quốc gia châu Âu sẽ cần duy trì nguồn cung khí đốt từ Nga hoặc giảm mức tiêu thụ thêm 7-12 tỷ m3, điều chỉ có thể thực hiện được khi đóng cửa một phần hoặc toàn bộ ngành công nghiệp. Hiện nay châu Âu đã ngừng 70% công suất sản xuất phân đạm, 25% sản xuất nhôm, 5% sản xuất thép và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn ngay cả trong trường hợp mùa Đông không quá lạnh.”

Mức thiếu hụt khí đốt cho mùa lạnh 2022-2023 ở châu Âu ít nhất là 10 tỷ m3, kể cả trong trường hợp mùa Đông không quá lạnh, duy trì khối lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục và sử dụng tối đa khối lượng khí đốt từ các kho chứa dự trữ dưới lòng đất kết hợp với duy trì tiết kiệm tiêu thụ.

Nghiên cứu nói trên cũng dự báo trong trường hợp nhu cầu LNG của Trung Quốc tiếp tục phục hồi, mùa Đông lạnh giá và kéo dài, xảy ra các sự cố làm gián đoạn chuỗi cung ứng thì tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn và lượng khí đốt thiếu hụt có thể lên tới 20-30 tỷ m3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục