Khai giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III

Sáng 7/1, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia khai giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III.

Sáng 7/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III.

Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lớp học; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đã dự.

90 học viên tham dự Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa III là các cán bộ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tín nhiệm, giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, bộ, ban ngành ở Trung ương; là những chức danh cán bộ quan trọng trong hệ thống chính trị.

Bốn tháng học tập trung tại Học viện, các học viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và một số kỹ năng, góp phần củng cố nhận thức về chính trị-xã hội, lập trường cách mạng; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tác phong, trách nhiệm công vụ của người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo lớp học, ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh tổ chức lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp là nhiệm vụ quan trọng, vừa nhằm bổ sung kiến thức, năng lực quản lý để các cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện tại, vừa tạo điều kiện để các cán bộ chuẩn bị kiến thức, năng lực thực tiễn, đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của chức danh quy hoạch.

Ông Tô Huy Rứa đề nghị cần bảo đảm thật tốt nội dung của từng chuyên đề và toàn bộ chương trình của lớp học; vừa cung cấp những kiến thức cơ bản, vừa bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn, phù hợp với đối tượng của Lớp bồi dưỡng.

Về lý luận, cần đi sâu nghiên cứu, thấm nhuần những thành tựu phát triển mới và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược kinh tế-xã hội 2011-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các Nghị quyết Trung ương ban hành trong những năm vừa qua.

Về thực tiễn, cần hết sức coi trọng trau dồi về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; khả năng nghiên cứu tổng kết thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường các báo cáo điển hình từ thực tế đã địa phương, ban, ngành.

Lớp bồi dưỡng phải đặc biệt chú trọng trau dồi về đạo đức, lối sống của người cán bộ; gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay."

Ông Tô Huy Rứa lưu ý cần chủ động và tích cực gắn bồi dưỡng lý luận, quan điểm đường lối với nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề sinh động, phong phú, phức tạp, đòi hỏi người cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý phải kịp thời nắm bắt, phân tích, xử lý có hiệu quả, phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, yêu cầu về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đối với học viên của lớp học phải được coi là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu.

Chương trình đi thực tế phải xác định trúng các vấn đề thực tiễn tại các địa phương và đề xuất các giải pháp hữu hiệu, khả thi đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và các bộ, ngành Trung ương.

Ông Tô Huy Rứa yêu cầu cần thống nhất áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp. Trước và sau khi nghe bài thuyết trình của giảng viên, học viên phải tự nghiên cứu chuyên đề, tìm tòi thêm tài liệu để mở rộng phạm vi nghiên cứu, liên hệ; suy tư, trăn trở, nhìn nhận các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau để tìm cách giải quyết riêng của mình. Phải làm cho mỗi buổi học trên lớp phải là một không gian đối thoại, trao đổi đa chiều giữa giảng viên và học viên, giữa các học viên với nhau trên cơ sở thực tiễn công tác đa dạng và cách nhìn nhận từ nhiều phương diện của học viên.

Đây là cách tốt nhất để gắn lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với nhịp sống sinh động của xã hội và thực tiễn công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, ban, bộ, ngành Trung ương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục