Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đã khai mạc ngày 12/4 ở Washington, với sự tham dự của lãnh đạo 49 quốc gia, tổ chức quốc tế.
Ngày 12/4, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đã khai mạc tại thủ đô Washington, Mỹ, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo tới từ 49 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Đây là hội nghị lớn nhất do Mỹ chủ trì kể từ sau hội nghị thành lập tổ chức Liên hợp quốc năm 1945.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu hội nghị chưa từng có tiền lệ và kéo dài hai ngày này bằng một loạt cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs thông báo sau cuộc hội đàm giữa ông Obama và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, Kiev đã quyết định tiêu hủy hoàn toàn khối lượng urani làm giàu ở cấp độ cao của nước này trước năm 2012. Đây được coi là cam kết cụ thể đầu tiên của hội nghị. Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm nay, Kiev dự định dỡ bỏ một phần quan trọng các kho urani làm giàu.

Tiếp sau cam kết của Ukraine, Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng tuyên bố các kho nguyên liệu hạt nhân lớn tại nước này sẽ được chuyển sang Mỹ để tránh nguy cơ rơi vào tay những phần tử khủng bố.

Hiện các nguyên liệu hạt nhân của Canada đang được cất giữ tại khu vực lò phản ứng hạt nhân Chalk River, phía Đông tỉnh Ontario, nơi vốn cung cấp khoảng 1/3 lượng đồng vị phóng xạ sử dụng cho mục đích y tế của thế giới. Lò phản ứng hạt nhân này đã phải ngừng hoạt động vô thời hạn hồi tháng 5/2009 do sự cố rò rỉ "nước nặng."

Trong các cuộc gặp song phương khác với Quốc vương Jordan Abdullah II, Thủ tướng Malaysia Abdul Razak, Thủ tướng New Zealand John Key và Thái tử các Tiểu vương quốc Arập thống nhất Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan, Tổng thống Obama cũng nhận được sự ủng hộ trong một số vấn đề như an ninh hạt nhân, Afghanistan... Ông Obama đánh giá các cuộc gặp song phương này là rất "ấn tượng."

Trước đó, ngày 11/4, ông Obama cũng đã có các cuộc thảo luận riêng với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Thủ tướng Pakistan Galani và Tổng thống Nam Phi Duma Zuma.

Trong khi đó, phát biểu trên kênh "CBS News" vài giờ trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố Paris sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân do làm như vậy sẽ "hủy hoại an ninh quốc gia trong một thế giới đầy nguy hiểm."

Phát biểu trước khi lên đường đến dự hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc các nước đàm phán về một hiệp ước mới cấm sản xuất nguyên liệu dùng để chế tạo bom hạt nhân, vì theo ông khủng bố hạt nhân là "một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt."

Dự kiến tại hội nghị, ông Ban Ki-moon sẽ kêu gọi triệu tập Hội nghị về Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc vào tháng 9 tới để thúc đẩy hơn nữa tiến trình giải trừ hạt nhân.

Theo kế hoạch, ông Obama sẽ chủ tọa hai phiên họp toàn thể chủ chốt của hội nghị, tập trung vào cách thức mà các chính phủ dự định đối phó với mối đe dọa từ các loại nguyên liệu hạt nhân không được bảo đảm an toàn.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cũng đã tiếp hàng chục nhà lãnh đạo tới từ các quốc gia đang phát triển để thảo luận về những mục tiêu của Phong trào Không liên kết (NAM) cũng như cam kết của Chính quyền Obama về một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Mục tiêu của hội nghị là đạt được một thỏa thuận kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ phổ biến nguyên liệu hạt nhân. Ngày 13/4 (theo giờ Mỹ), sau phiên họp toàn thể, hội nghị sẽ ra tuyên bố chung chính thức công nhận mối đe dọa nghiêm trọng mà chủ nghĩa hạt nhân gây ra. Tuyên bố này cũng sẽ ủng hộ các nỗ lực đảm bảo an toàn cho các nguyên liệu hạt nhân có rủi ro cao trong vòng 4 năm tới và về các hoạt động mà các nước sẽ thực hiện ở cấp quốc gia và quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân là sự kiện quan trọng thứ ba trong vòng hai tuần qua có liên quan vấn đề an ninh hạt nhân, sau việc Mỹ và Nga ký kết một hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược và Nhà Trắng công bố Báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân (NPR) 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục