Khai mạc phiên họp 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 28/9, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 28/9, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ ngày 28/9 đến 3/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung làm việc về các nhóm công việc gồm cho ý kiến về những quan điểm còn khác nhau của 6 dự án Luật chuẩn bị thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; nghe và cho ý kiến về báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2010.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng và việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, cho ý kiến chương trình hoạt động giám sát 2009, báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2009 và cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán 2010...

Chỉ có một đầu mối thanh tra tại mỗi bộ

Trong phiên họp sáng 28/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối về hai dự Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện, chuẩn bị để thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Dự Luật Viễn thông sau khi chỉnh sửa, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 10 Chương, 63 Điều; gộp một số điều, bỏ 1 điều và bổ sung 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất ý kiến với kết quả báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật viễn thông và tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn chưa thống nhất, nhất là nội dung điều luật quy định về thanh tra chuyên ngành viễn thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng cần nghiên cứu xem xét lại Điều 11 quy định về thanh tra chuyên ngành để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, đảm bảo các quy định của Luật Viễn thông phù hợp với Luật Thanh tra bởi những quy định trong khoản 1 và khoản 2 của điều 11 cũng đã hàm chứa các yếu tố mâu thuẫn, không đồng nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đều đồng ý và cho rằng quy định về thanh tra vẫn có nhiều điểm chưa thống nhất giữa Luật thanh tra, các quy định liên quan đến hoạt động thanh tra cần tôn trọng Luật Thanh tra hiện hành, đồng thời thống nhất quan điểm là chỉ có một cơ quan thanh tra cấp bộ duy nhất và thanh tra chuyên ngành chỉ là một chức năng, không phải một bộ máy chuyên biệt.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cơ bản nhất trí với Dự luật và nhấn mạnh, cần cân nhắc kỹ trong quá trình soạn thảo để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; hệ thống quản lý nhà nước với hoạt động thanh tra.

Ông cũng cho rằng quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền khởi kiện các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khi cung cấp dịch vụ không đạt chất lượng là một quy định khó khả thi, vì kiểm định chất lượng viễn thông là một vấn đề kỹ thuật mà người dân không thể thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thuận và ông Trần Thế Vượng cho rằng, cần làm rõ hơn vấn đề quy định về chính sách ưu tiên đầu tư trong hoạt động viễn thông, nhất là trong hoạt động đầu tư viễn thông tại vùng sâu, vùng xa. Cơ quan chuyên ngành phụ trách viễn thông là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội không nên tham gia vào, nên đề nghị không đưa Luật để đảm bảo sự nghiêm túc của hoạt động phân cấp, phân quyền giữa Quốc hội và Chính phủ.

Tổng kết các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, quan điểm nhất quán từ trước đến nay là cơ quan bộ chỉ có một đầu mối về thanh tra, thực hiện cả chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành.

Trên thực tế thực hành pháp luật, cơ quan lập pháp cần tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra chuyên ngành đạt hiệu quả, chất lượng tốt nhất. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo chỉnh sửa lại điều luật quy định về cơ quan thanh tra chuyên ngành viễn thông (điều 11) từ 2 khoản thành 1 khoản.

Điều luật về vấn đề khiếu nại, khiếu kiện trong hoạt động viễn thông được giữ nguyên, bởi quy định vấn đề này trong luật pháp là cần thiết, còn nâng cao tính khả thi là việc sửa đổi, cải tiến cách thức quá trình thực hiện.

Cơ quan soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, sửa đổi các điều luật quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực viễn thông; quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông và chuẩn bị dự thảo Nghị định hướng dẫn luật để trình Quốc hội theo đúng các quy định của pháp luật về quy trình soạn thảo văn bản pháp luật.

Bỏ điều luật quy định về Ủy ban Tần số vô tuyến điện

Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 8 chương, 50 điều, đã được bổ sung 3 điều, bỏ 1 điều và chỉnh sửa 45 điều so với Dự luật trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12.

Dự luật Tần số vô tuyến điện và Dự luật Viễn thông là hai bộ luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong hai lĩnh vực có mối quan hệ liên quan, nên có kết cấu và cách thể hiện tương đối giống nhau. Chính vì vậy, ý kiến của các thành viên Thường vụ Quốc hội cũng khá tương đồng khi nhất trí cơ bản về Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện và bày tỏ những ý kiến chưa nhất trí có nội dung tương tự như đối với Dự thảo Luật Viễn thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, thực tế cho thấy, Ủy ban Tần số vô tuyến điện hoạt động rất hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý, điều hành liên quan đến lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Tuy nhiên, không nên đưa việc quy định về Ủy ban Tần số vô tuyến điện (Điều 8) vào trong luật, vì đây là công việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình quan tâm tới các điều khoản liên quan đến việc thu hồi tần số vô tuyến điện và yêu cầu các điều khoản cần cụ thể, rõ ràng hơn về hoạt động này.

Sau khi nghe giải trình của cơ quan soạn thảo, tổng hợp ý kiến của các thành viên Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, nhất trí yêu cầu loại bỏ điều 8 quy định về Ủy ban Tần số vô tuyến điện ra khỏi dự luật; thống nhất và rút gọn điều 10 (những hành vi bị nghiêm cấm) và điều 13 (thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thực hiện quy hoạch); những điều luật quy định về thanh tra chuyên ngành, chính sách của Nhà nước đối với tần số vô tuyến điện cần được nghiên cứu lại và thống nhất như Luật viễn thông.

Cơ quan soạn thảo và Chính phủ cần chuẩn bị Nghị định hướng dẫn luật; hoàn thiện báo cáo tác động và các quy trình ban hành văn bản pháp luật theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều điểm chưa đồng nhất, vì vậy trong quá trình xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ quan soạn thảo, lập pháp cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo không vi phạm Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo tính đồng thuận cao trong xã hội, tạo điều kiện cho các ngành, địa phương hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục