Khai mạc Wimbledon 2009: Federer khởi đầu suôn sẻ

Nadal vắng mặt, Murray chưa thi đấu, nên không có gì khó hiểu khi Roger Federer trở thành tâm điểm của sự chú ý khi anh khởi đầu hành trình đòi lại vinh quang ở Wimbledon.

Nadal vắng mặt, Murray chưa thi đấu, nên không có gì khó hiểu khi Roger Federer trở thành tâm điểm của sự chú ý khi anh khởi đầu hành trình đòi lại vinh quang ở Wimbledon.
 
Federer khởi đầu suôn sẻ

Tại sân quần vợt trung tâm, nơi vừa khánh thành dàn mái che di động, Federer đã mở màn Wimbledon 2009 khi tiếp đối thủ hạng 65 thế giới người Đài Loan Lu Yen-hsu. Và nếu chỉ chứng kiến set đấu đầu tiên, không ít người đã nghĩ đến một màn dạo đầu vất vả của tay vợt người Thụy Sĩ. Anh đã bỏ lỡ tới 4 cơ hội giành breakpoint và để đối phương dẫn 3-2. Nhưng sau đó Federer đã lấy lại thế trận và thắng 7-5. Kể từ thời điểm ấy, anh đã nắm giữ toàn bộ thế trận và giành chiến thắng ở 2 set sau với tỷ số lần lượt là 6-3, 6-2.
 
Như thường lệ, dấu ấn đẳng cấp tiếp tục được thể hiện ở lối chơi toàn diện của Federer. Đây là chiến thắng thứ 41 trong 42 trận gần nhất của Federer ở Wimbledon, kể từ năm 2003. Ở vòng 2, anh sẽ đụng đối thủ Garcia Lopez, người vừa nhẹ nhàng hạ Calleri 6-2, 6-3, 6-2.

Cũng trong khuôn khổ nội dung đơn nam, vòng đầu tiên của Wimbledon đã chứng kiến sự ra đi của hai tay vợt hạt giống. Người đầu tiên là James Blake (17) với thất bại 0-3 trước Andreas Seppi, tiếp theo là F.Lopez (21) bị Karol Beck quật ngã với tỷ số  2-3.

Trong khi đó, tuy không đến nỗi bị loại nhưng Tsonga (9) cũng phải khá vất vả mới hạ được đối thủ vô danh Golubev với tỷ số 6-3, 5-7, 7-6 (4), 7-6 (5).
 
Ở nội dung đơn nữ, Serena Williams, người được nhà cái Williams Hills đánh giá là ứng cử viên số một cho ngôi vô địch, đã không mất nhiều thời gian để đánh bại đối thủ ít tên tuổi Neuza Silva với tỷ số 6-1, 7-5. Vòng 2 dĩ nhiên cũng chưa phải một thách thức lớn lắm khi Serena chỉ phải gặp Jarmila Groth của Australia.
 
Nhưng tâm điểm của sự chú ý trong ngày khai mạc được dồn về sân 1 với màn dạo đầu của nhà vô địch năm 2004 Sharapova. Cô gái xinh đẹp người Nga này đã được xếp làm hạt giống số 24, dù chỉ đứng thứ 60 thế giới. Vẫn còn những dấu ấn của chấn thương ở Masha khi cô gặp không ít khó khăn trong chiến thắng 2-0 trước tay vợt từ vòng loại Kutuzova, đặc biệt là trong set đấu đầu tiên khi cô đã bị dẫn trước đến 4-1, nhưng đã lội ngược dòng thành công. Thử thách tiếp theo của Sharapova là Gisela Dulko.
 
Người Anh đã rất kỳ vọng vào Laura Robson, người được tán tụng như một thần đồng sau khi vô địch giải trẻ năm ngoái. Song rõ ràng giữa nội dung trẻ và thi đấu chuyên nghiệp còn là một khoảng cách quá xa. Ngày hôm qua, Robson mặc dù đã gây rất nhiều khó dễ nhưng vẫn phải nhận thất bại 1-2 trước đàn chị Hantuchova.
 
Wimbledon sẽ … ô nhiễm âm thanh?
 
Ở Roland Garros vừa qua, tay vợt chủ nhà Aravane Rezai đã phàn nàn với trọng tài rằng những tiếng hét của đối thủ de Brito đã khiến cô trở nên phân tâm khi thi đấu. Trong khi đó, cô gái 16 tuổi người Bồ Đào Nha này lại có vẻ tự hào: “Từ khi bắt đầu chơi quần vợt, tôi đã hét. Tôi sẽ vẫn tiếp tục làm như thế bởi vì nó thực sự là một phần trong lối chơi của mình”.
 
Trong 9 lần vô địch ở Wimbledon, Navratilova luôn cảm thấy rất khó chịu bởi những tiếng la hét của Monica Seles. Bà cho rằng các quan chức về quần vợt cần phải có biện pháp để chấm dứt tình trạng này, “Những tiếng la hét là không thể chấp nhận được. Nó đã phá vỡ sự trong lành và bình dị của không khí thi đấu. Cần phải làm điều gì đó để ngăn chặn những tiếng la hét đến chói tai này”.
 
Jimmy Connors, chủ nhân của 8 Grand Slam trong hai thập niên 70 và 80, cũng la hét không ít. Ivan Lendl phàn nàn rất nhiều về những tiếng la hét của Andre Agassi khiến ông bị mất tập trung khi thi đấu.

Ngày nay, các tay vợt nữ la hét còn ầm ĩ hơn cả những đồng nghiệp nam. Và đối với người hâm mộ thì đây quả là “những âm thanh khủng khiếp”. Một chú sư tử gầm có âm lượng khoảng 110 deciblel, trong khi đó, âm lượng trong tiếng hét của Sharapova đo được là 101 deciblel!
 
Nick Bollettieri, giáo viên giảng dạy tại Học viện Florida, người từng có thời gian hướng dẫn Larcher de Brito cũng như Seles, Sharapova và Agassi khẳng định, ông không hề dạy các học trò của mình hét để ăn mừng hoặc giải tỏa tâm lý. "Tôi và các cộng sự chỉ hướng dẫn cách hít thở sao cho hợp lý. Các vận động viên làm thế vì chúng giúp họ giải phóng năng lượng và tập trung hơn. Đó chỉ là một phản ứng tự nhiên, đôi khi là cách họ đe nẹt đối thủ và làm họ mất tập trung".
 
Không ít cánh mày râu cho rằng những tiếng la hét như Sharapova có hiệu ứng là… gợi dục. Tất nhiên, trong số này không có Adam Levine. Anh chàng hát chính của nhóm Maroon 5 này từng chê rằng “búp bê Nga” quá nhạt nhẽo trong chuyện chăn gối./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục