Khám phá Ga Đà Lạt - Nhà ga cổ đẹp nhất Đông Dương

Với những giá trị văn hóa lịch sử và kiến trúc độc đáo có một không hai ở Đông Dương, Ga Đà Lạt là một điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách khi đến với thành phố đồi núi mộng mơ.

Nhà ga xe lửa Đà Lạt. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Nhà ga xe lửa Đà Lạt. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nằm trên đường Quang Trung, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ga Đà Lạt là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương.

Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, nằm trong tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt, kết nối thành phố cao nguyên với Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận.

Tuyến đường sắt này dài 84km, độ chênh cao toàn tuyến là 1.500m, được khởi công từ năm 1908 theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Năm 1932, tuyến đường hoàn thành cũng là thời điểm xây dựng ga Đà Lạt.

Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui, là một tuyến đường sắt đặc biệt bởi có 16km đường sắt răng cưa leo dốc, với độ dốc trung bình 12%. Khi ấy, đường sắt và đầu máy có bánh xe răng cưa chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam.

Nhà ga Đà Lạt được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron, với kiến trúc đậm tính bản địa. Cấu trúc công trình mạch lạc, khoa học song hình thức rất tinh tế.

vnp_2306gaDalat.jpg
Ga Đà Lạt. (Nguồn: Vietnam+)

Công trình có bố cục đối xứng, với khối kiến trúc ở giữa mô phỏng 3 đỉnh của núi Langbiang và những mái nhà rông Tây Nguyên; hai bên là hai khối kiến trúc trải dài. Chính giữa công trình, bên ngoài, dưới mái có mặt đồng hồ to ghi lại thời gian bác sỹ Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt.

Ở khối giữa, phía trước có hai sảnh, một dành cho hành khách và một là sảnh hàng hóa. Giữa hai lối đi này là nơi chờ tàu. Khối kiến trúc giữa này chỉ có 1 tầng với không gian rộng và chiều cao lên tới mái. Về tổng thể, kiến trúc công trình hài hòa với thiên nhiên và là một điểm nhấn đô thị độc đáo.

Ga Đà Lạt được xây dựng trên mảnh đất rộng và sử dụng tông màu đỏ cam làm màu chủ đạo, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và nhà rông Tây Nguyên.

Bởi thế nên nhiều người nhận xét rằng ga Đà Lạt là công trình kiến trúc vừa duyên dáng lại độc đáo, là thành quả mỹ mãn của sự kết hợp lần đầu tiên giữa lối kiến trúc phương Tây cùng kiến trúc nhà rông Tây Nguyên truyền thống.

Ga Đà Lạt được công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hóa Quốc gia năm 2001.

Nhằm phát huy giá trị của Di tích Ga Đà Lạt, tháng 8/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, với trọng tâm là khôi phục, cải tạo và khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Đà Lạt-Tháp Chàm cho mục đích du lịch.

Tuyến đường sắt răng cưa dài hơn 83km chỉ còn đoạn Trại Mát-Đà Lạt dài gần 7km đang khai thác tàu du lịch.

Mới đây ngày 21/6/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 1061/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt” do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Du lịch và quy định pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác kinh doanh du lịch tại Điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt.”

Trong khuôn khổ Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2024, tối 4/6 vừa qua, sản phẩm du lịch mới mang tên “Đà Lạt đêm say” - Một hành trình đa trải nghiệm, đã ra mắt.

TTXVN_2306gaDalat.jpg
Hành trình khám phá đêm Đà Lạt khởi hành từ Ga Đà Lạt – nhà ga cổ đẹp nhất Đông Dương và đến ga Trại Mát, có chiều dài gần 7km. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Đúng như tên gọi, hành trình khám phá đêm Đà Lạt khởi hành từ Ga Đà Lạt-nhà ga cổ đẹp nhất Đông Dương, trên chuyến tàu hỏa cổ, du khách có cơ hội ngắm nhìn màn đêm lung linh huyền ảo của xứ sở rau, hoa Đà Lạt.

Đặc biệt, du khách còn được chìm đắm trong những bản nhạc du dương do các nghệ sỹ chơi đàn guitar, violin hay kèn saxophone biểu diễn trực tiếp. Đến ga Trại Mát, du khách tiếp tục “Hành trình 5S” khám phá Đà Lạt theo một cách độc đáo nhất. Đó là say với view 360 độ ngắm nhìn thung lũng đèn từ trên cao; say với những bức ảnh đẹp, với không khí se se lạnh, những món ăn độc đáo, những bản tình ca lãng mạn.

Điểm đến thứ hai của hành trình là xóm Lèo - cái tên khá dân dã nhưng là nơi ẩn chứa nhiều điểm đặc biệt khiến ai cũng phải mê mẩn. Sở hữu độ cao lý tưởng cùng tổ hợp nhiều quán càphê có khung cảnh lãng mạn, xóm Lèo chính là nơi “săn” hoàng hôn đẹp bậc nhất Đà Lạt.

Sau thời gian thưởng thức ẩm thực, âm nhạc, ngắm cảnh đẹp về đêm, du khách sẽ quay trở lại trung tâm thành phố Đà Lạt bằng xe điện, thỏa sức chiêm ngưỡng vùng đất trên mây ở nhiều góc nhìn khác nhau.

Chương trình “Đà Lạt đêm say” được bắt đầu vào lúc 18 giờ hằng ngày, khởi hành tại ga Đà Lạt. Đây là một hành trình khép kín, phục vụ bữa ăn nhẹ, nước uống, có xe điện đưa đón du khách cho đến khi kết thúc hành trình vào lúc 21 giờ.

Trước đó, cuối tháng 4/2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã bắt đầu khai thác chuyến tàu “Hành trình đêm Đà Lạt" từ ga Đà Lạt đi Trại Mát và ngược lại.

Đây là đoạn đường sắt còn lại của tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nối Đà Lạt với Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, có chiều dài 84km, do người Pháp xây dựng. Tuy nhiên, hành trình này chủ yếu để du khách ngồi thưởng lãm cảnh đẹp Đà Lạt về đêm trên chuyến tàu đi và về, chưa khai thác sản phẩm phụ trợ khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục