Khám phá vùng đất văn hóa Thánh địa Cát Tiên

Thánh địa Cát Tiên nằm trong một bồn địa rộng hàng trăm hécta và trải trên chiều dài khoảng 15km dọc theo hệ thống sông Đạ Đờn-Đồng Nai.
Khám phá vùng đất văn hóa Thánh địa Cát Tiên ảnh 1Bộ Linga-Yoni lớn nhất trong các công trình chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Thánh địa Cát Tiên thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, nằm trong một bồn địa rộng hàng trăm hécta và trải trên chiều dài khoảng 15km dọc theo hệ thống sông Đạ Đờn-Đồng Nai.

Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa thể xác định được ai là chủ nhân thật sự của nền văn hóa này.

Toàn bộ khu di tích này thuộc địa phận kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, trong đó mật độ di chỉ khảo cổ tập trung dày đặc ở khu vực xã Quảng Ngãi với bảy cụm gò đồi.

Thánh địa Cát Tiên được phát hiện tình cờ trong một chuyến đi điền dã điều tra về dân tộc học của các cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng tại vùng quê này vào năm 1985. Sau khi phát hiện, các nhà khảo cổ học gọi vùng đất này là "Thánh địa Cát Tiên."

Thánh địa Cát Tiên là nơi thờ phụng tôn giáo có nguồn gốc từ văn minh Ấn Độ, thờ ngẫu tượng Linga-Yoni với nhiều đền tháp, mộ tháp, đài thờ, máng dẫn nước xây chủ yếu bằng gạch, qua thời gian đã đổ nát, chỉ còn lại một phần dấu tích xưa.

Trong số đó, di tích gò IA được cho là lớn nhất trong trong hệ thống phế tích còn lại. Di tích này gồm một ngôi tháp lớn nhất được xây dựng nằm trên vị trí cao nhất, đẹp nhất tại một quả đồi cao khoảng 50m so với mặt đất canh tác của thung lũng xã Quảng Ngãi.

Di tích gò IA là một phế tích kiến trúc đồ sộ, được phát hiện năm 1985 và được tiến hành khai quật năm 1996. Di tích có cửa chính quay về hướng Đông, đế tháp hình khối vững chắc cao 1,4m, được xây giật cấp làm năm lớp vươn lên đỡ thân tháp.

Mặt bằng tiền sảnh phía trước được lát đá tấm bằng phẳng khá rộng, từ sân dẫn lên tiền sảnh là bậc tam cấp, hai bên bậc tam có trụ gạch xây cân đối nhau được giới hạn không gian bậc là hai trụ gạch xây hình khối chữ nhật đứng.

Một cán bộ di tích tại khu thánh địa Cát Tiên cho biết khi khai quật gò IA đã phát hiện rất nhiều hiện vật gồm nhiều loại hình, chất liệu, kích cỡ khác nhau, trong lòng tháp ở độ sâu 3,6m, phát hiện một số hiện vật như tượng Ganesa bằng đá, bộ Linga-Yoni, hộp bạc, nhiều mảnh vàng khắc tạc các vị thần như Sihva, Vishnu, Brama, India, các con vật như ốc, bò, ngựa, các linh vật như giáo, lao, bánh đinh sắt, bánh xe luân hồi, hoa sen, văn tự Sankrit... tất cả đều mang dấu ấn của Bàlamôn giáo.

Đặc biệt, tìm thấy bộ Linga-Yoni, kích thước Linga cao 2,1m, đường kính 0,7m, Yoni cạnh dài 2,26m.

Cho đến hiện nay, đây được xem là bộ Linga-Yoni lớn nhất trong các công trình chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Từ những yếu tố trên, các nhà khoa học khẳng định rằng di tích gò IA trên địa bàn xã Quảng Ngãi là di tích được coi là quan trọng nhất trong tổng thể các di tích ở Cát Tiên. Đây có thể là đền thờ chính của toàn bộ di tích này.

Kể từ khi được phát hiện đến nay, việc xác định chủ nhân của nền văn hóa này vẫn thách thức giới khảo cổ học. Mỗi lần khai quật là thêm một phát hiện mới khác nhau với nhiều hiện vật thuộc các thời đại và di chỉ văn hóa khác lạ. Đây có thể xem là điều kỳ thú đối với Thánh địa Cát Tiên.

Sau bốn đợt khai quật đầu tiên, các nhà khoa học bước đầu cho rằng đây là đô thị tôn giáo cổ mang ý nghĩa một thánh địa Bàlamôn giáo và Hindu giáo được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn kéo dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XI.

Tuy nhiên, trong bốn đợt khai quật tiếp theo kéo dài từ năm 2001-2006, khi nghiên cứu những kiến trúc ở Thánh địa Cát Tiên, các nhà khoa học xét thấy niên đại của Thánh địa Cát Tiên có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII.

Ngoài ra, xem xét cẩn trọng các hiện vật như nồi, vò, rìu đồng và khuôn đúc, những đồ gốm thuộc giai đoạn Óc Eo sớm, đặc biệt là loại chai gốm cổ cao có nhiều trong các di tích Glimanuk, Plawangan ở Indonesia thuộc niên đại từ những thế kỷ đầu Công nguyên cùng với việc phân tích các mẫu than lấy từ lòng tháp ở độ sâu gần 3m, đưa đi phân tích đồng vị phóng xạ cacbon C tại Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần củng cố điều đó.

Có nhiều lý giải được đưa ra về chủ nhân của những phế tích này. Vào ngày 12/12/2008, tại thành phố Ðà Lạt đã diễn ra Hội thảo khoa học về di tích Thánh địa Cát Tiên.

Cố giáo sư Trần Quốc Vượng khi nghiên cứu những gì xuất lộ qua các đợt khai quật Cát Tiên cộng với quy chiếu những hiểu biết dân gian đã cho rằng, thánh địa này là của người Mạ bản địa cổ xưa vì cư dân hiện hữu lâu đời, độc nhất quanh di tích này là người Mạ.

Còn giáo sư Lương Ninh (Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội) nhận định chính cư dân bản địa tự làm cho mình, nhưng ông cũng cho rằng không nhất thiết cư dân bản địa thời Thánh địa Cát Tiên xuất hiện là người Mạ ngày nay.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng và kiến trúc sư Nguyễn Minh Khang (Cục Di sản Văn hóa) lại cho rằng thuộc cư dân Chămpa.

Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu này khẳng định: "Có thể chủ nhân của Cát Tiên là một tộc người khác Chămpa, Phù Nam, Chân Lạp lẫn Khmer... nhưng cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Ðộ là điều quá rõ."

Dù các đánh giá trái ngược nhau nhưng vẫn thấy một điểm chung là nhiều nền văn hóa đã hòa nhuộm vào đền đài bên ngoài và trong lòng di tích Cát Tiên, đó là yếu tố Chămpa, Óc Eo, là văn minh Ba Tư (Tây Á), Kusana (Trung Á), là Bàlamôn giáo, Hindu giáo, rồi cả Phật giáo... Đây là đặc trưng riêng của di tích Cát Tiên. Vì thế, sẽ còn rất nhiều thời gian và công sức để giới khoa học có thể biết được chủ nhân thật sự của nền văn hóa này./.

Khám phá vùng đất văn hóa Thánh địa Cát Tiên ảnh 2Lối vào tháp được xây giật cấp làm năm lớp vươn lên đỡ thân tháp.
Khám phá vùng đất văn hóa Thánh địa Cát Tiên ảnh 3Cửa vào tháp nhìn từ bên trong tháp.
Khám phá vùng đất văn hóa Thánh địa Cát Tiên ảnh 4Những nét chạm khắc tinh xảo được tìm thấy tại Cụm di tích gò IA.
Khám phá vùng đất văn hóa Thánh địa Cát Tiên ảnh 5Linga được khai quật tại Cụm di tích gò 8.
(Báo Ảnh/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục