Khẩn cấp cứu hàng triệu dân ở vùng Sừng châu Phi

LHQ kêu gọi quốc tế hành động "khẩn cấp và trên quy mô lớn" để cứu hàng triệu người khỏi nguy cơ bị chết đói ở vùng Sừng châu Phi.

Liên hợp quốc ngày 25/7 kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động "khẩn cấp và trên quy mô lớn" để cứu hàng triệu người khỏi nguy cơ bị chết đói ở vùng Sừng châu Phi, khu vực đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua.

Phát biểu khai mạc hội nghị khẩn cấp về hạn hán ở vùng Sừng Châu Phi tại Rome (Italy), Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), ông Jacques Diouf cho biết tình hình ở vùng Sừng châu Phi đã trở nên hết sức nghiêm trọng, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải viện trợ khẩn cấp và quy mô lớn để nhanh chóng chấm dứt nạn đói đang hoành hành tại đây.

Ước tính khoảng 3,7 triệu người Somalia, tương đương 1/3 dân số Somalia, đang có nguy cơ bị chết đói, trong khi hàng triệu người khác ở các nước như Ethiopia, Kenya, Uganda... cũng có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh tương tự khi phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi viện trợ khẩn cấp cho Somalia 1,6 tỷ USD. Giám đốc Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Valerie Amos nhấn mạnh nếu không hành động "ngay lập tức" thì nạn đói sẽ lan khắp Somalia và lan sang các nước láng giềng.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực châu Phi, ông Obiagelii Ezekwesili cho biết WB cam kết viện trợ hơn 500 triệu USD cho vùng Sừng châu Phi. Phần lớn số tiền này sẽ được dành cho các dự án dài hạn nhằm hỗ trợ nông dân chăn nuôi.

Trước đó, WB đã viện trợ trực tiếp 12 triệu USD cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ông Josette Sheeran cũng cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu chuyển viện trợ lương thực bằng đường không cho thủ đô Mogadisu của Somalia, thị trấn Dolo (Ethiopiaa) và thị trấn Wajir (Kenya) vào ngày 26/7.

Hội nghị khẩn cấp về hạn hán ở vùng Sừng châu Phi được triệu tập theo yêu cầu của Pháp, nước đang giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Hội nghị này không chỉ bàn về các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho vùng Sừng châu Phi, mà còn bàn thảo các giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực này, gồm hỗ trợ các trang trại chăn nuôi gia súc, cung cấp các loại giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn và các biện pháp kiểm soát biến động giá cả mặt hàng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục