Khẩn trương đẩy nhanh dự án sửa chữa hư hỏng mặt đường Quốc lộ 5

Những hư hỏng mặt đường Quốc lộ 5 sẽ sớm được duy tu, sửa chữa nhằm đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn.
Khẩn trương đẩy nhanh dự án sửa chữa hư hỏng mặt đường Quốc lộ 5 ảnh 1Phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 5, (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI đơn vị được bàn giao giao công tác quản lý, bảo trì Quốc lộ 5) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu của dự án sửa chữa mặt đường Quốc lộ 5.

Theo đó, đối với toàn bộ các gói thầu xây lắp, Tổng cục Đường bộ yêu cầu trình xem xét thiết kế kỹ thuật trước ngày 10/9 để đảm bảo tiến độ lựa chọn nhà thầu trước ngày 30/10 và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công trước ngày 15/11/2020.

VIDIFI cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý các hư hỏng mặt đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông đồng thời chỉ đạo nhà thầu thi công trên các tuyến đường đang khai thác có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ giao Cục Quản lý đường bộ 1 kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì của VIDIFI; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện công tác này đảm bảo an toàn giao thông.

“Trường hợp nhà đầu tư VIDIFI không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo yêu cầu gây mất an toàn giao thông, Cục cần báo cáo Tổng cục xử lý theo quy định như dừng thu phí để khắc phục đảm bảo an toàn giao thông,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.

[Bộ GTVT nói gì về việc đầu tư, sửa chữa hư hỏng tuyến Quốc lộ 5?]

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương sửa chữa, bảo trì đảm bảo an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 5; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của nhà đầu tư và kiên quyết xử lý theo quy định của hợp đồng dự án nếu nhà đầu tư không kịp thời có giải pháp xử lý khắc phục.

Quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hà Nội đã được nâng cấp và khai thác được trên 20 năm và chưa đại tu lần nào (theo định mức yêu cầu 5-10 năm phải đại tu). Tuyến đường hiện đã xuống cấp trầm trọng, thường ngày vẫn phải “gồng mình” để “cõng” hàng chục nghìn lượt xe qua lại, đặc biệt là xe container lưu thông.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 5 rất lớn (khoảng 50.000 xe/ngày đêm, trong khi đó lưu lượng thiết kế chỉ là 10.000-15.000 xe/ngày đêm, gấp hơn 3 lần).

Sau khi được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì Quốc lộ 5, VIDIFI đã triển khai bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các hạng mục công trình, vận động người dân không vi phạm hành lang an toàn giao thông đồng thời sửa chữa các hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe, sơn lại vạch kẻ đường, tổ chức lại giao thông tại một số vị trí nút giao để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.

“Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm còn thấp nên việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế,” phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận thực tế.

Theo đại diện VIDIFI, đơn vị cũng tính toán số tiền duy tu, bảo trì Quốc lộ 5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm với tổng số tiền khoảng 10.526 tỷ đồng.

Đối với các vị trí hư hỏng khác, VIDIFI cũng lập phương án, dự toán kinh phí để thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện quá lớn, ý thức tham gia giao thông của một số người điều khiển phương tiện còn hạn chế nên gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông đồng thời việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư dọc hai bên tuyến Quốc lộ 5 không đồng bộ với phát triển hạ tầng (đường gom, cầu vượt, điểm đấu nối dân sinh..tình trạng lấn chiếm hành lang hai bên tuyến làm thu hẹp lòng đường, gây mất an toàn giao thông.

Mặt khác, trên tuyến đường này còn có tình trạng xe quá tải lưu thông khiến kết cấu mặt đường xuống cấp nhanh dẫn đến chi phí sửa chữa lớn hơn phương án tài chính của hợp đồng BOT. Do đó, VIDIFI phải tính toán, cân đối và ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa những vị trí, công việc thực sự cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục