Tại hội thảo khoa học “Sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Văn Thành với lịch sử dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX” tổ chức vào ngày 24/12, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã khẳng định công lao to lớn của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành trên các lĩnh vực văn hóa-lịch sử-giáo dục đối với Thăng Long và vùng đất Bắc thành cũng như những cống hiến của ông trong việc ổn định đời sống xã hội và yên dân.
Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh Nguyễn Văn Thành (1758-1817), quê gốc tại Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (Huế) là một danh nhân lịch sử thời Chúa Nguyễn và triều Nguyễn, vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Những đóng góp của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành trên lĩnh vực văn hóa, lịch sử, giáo dục đã được thể hiện rõ nét nhất ở việc xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử tô điểm thêm nét văn hiến cho Thăng Long-Hà Nội như xây dựng công trình văn hóa lịch sử Khuê Văn Các, xây dựng Cột cờ Hà Nội, xây dựng và nâng cấp Chợ Đồng Xuân...
Ngoài ra, Nguyễn Văn Thành còn chấn hưng việc học và việc thi tại vùng đất Bắc thành; góp phần biên soạn bộ địa lý-lịch sử đầu tiên của Vương triều Nguyễn.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Đình Sỹ, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, một trong những đóng góp nổi bật nhất của Nguyễn Văn Thành về chính trị là ông đã có nhiều hành động bảo vệ vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Trong thời kỳ giữ trọng trách làm Tổng trấn Bắc thành, Nguyễn Văn Thành đã có ý thức củng cố việc phòng thủ tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Ông kiên quyết trừng trị thổ phỉ từ Trung Quốc tràn sang quấy phá, cướp bóc các trấn sát vùng biên giới phía Bắc, bảo vệ đời sống yên bình cho người dân biên giới.
Trong tham luận "Về tờ sớ Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu" gửi vua Gia Long năm 1810 của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành, hai tác giả thạc sỹ Bùi Văn Huỳnh và phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đã nêu rõ lòng thương người, tình người, sự chân thành, sự khoan dung độ lượng có thể cảm hóa được những kẻ lầm đường, những người trộm cắp, thậm chí là kẻ thù địch khi đã đầu hàng là nét độc đáo trong tư tưởng nhân nghĩa của các nhà chính trị tài ba, có tâm đức như Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành"./.