Khánh Hòa: Tăng mức phí tham quan Hòn Chồng và Tháp Bà Ponagar từ 2023

Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Nghị quyết về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan Khu di tích lịch sử-văn hóa Tháp Bà Ponagar và danh lam thắng cảnh Hòn Chồng.
Khánh Hòa: Tăng mức phí tham quan Hòn Chồng và Tháp Bà Ponagar từ 2023 ảnh 1Di tích Tháp Bà. (Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN)

Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Nghị quyết về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan Khu di tích lịch sử-văn hóa Tháp Bà Ponagar và danh lam thắng cảnh Hòn Chồng tại thành phố Nha Trang, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa là đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện, với mức thu phí tham quan tại mỗi địa điểm nói trên là 30.000 đồng/người/lần.

Mặc dù mức thu mới tăng 3 lần so với quy định hiện hành, nhưng theo lý giải của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2016, mức thu phí tham quan tại 2 địa điểm nói trên được tỉnh Khánh Hòa quy định 20.000 đồng/người/lần, sau đó đến đầu năm 2021 nhằm để kích cầu du lịch trong tình hình dịch COVID-19 gây ảnh hưởng xấu, nên Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra mức phí mới là 10.000 đồng, giảm 50%.

Nay điều chỉnh mức thu phí mới tăng cao là do phải đảm bảo mặt bằng chung với các địa phương (tỉnh, thành phố) ở khu vực trong việc thu phí tham quan các địa điểm lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Chẳng hạn mức thu phí tham quan tại Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) là 80.000 đồng/khách Việt Nam và 150.000 đồng/khách nước ngoài; Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) 100.000 đồng/khách Việt Nam và 150.000 đồng/khách nước ngoài; tại Ngũ Hành Sơn là 40.000 đồng/người, Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng) 60.000 đồng/người; Lăng Tự Đức/Minh Mạng/Khải Định là 100.000 đồng/người, Lăng Gia Long (Thừa Thiên-Huế) 40.000 đồng/người; các điểm danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk 30.000-40.000 đồng/người; các điểm danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi 30.000-70.000 đồng/người.

[[Photo] Quyến rũ vũ điệu Chăm dưới chân Tháp Bà Ponagar]

Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa cũng quy định nhiều đối tượng được miễn phí tham quan tại hai di tích, thắng cảnh này, bao gồm các đoàn khách quốc tế, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến thăm, làm việc tại Khánh Hòa và có nhu cầu tham quan; cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đang công tác, sinh sống ở huyện đảo Trường Sa; các đoàn học sinh, sinh viên trong tỉnh do các trường tổ chức tham quan và tìm hiểu về di tích, danh thắng; người dân thường xuyên đến Tháp Bà Ponagar cúng lễ theo nhu cầu tín ngưỡng; người khuyết tật; người cao tuổi; người nhiễm chất độc da cam, công dân thường trú tại Khánh Hòa.

Về chế độ quản lý và sử dụng phí tham quan tại hai địa điểm này, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa được để lại 100% số phí thu để chi hoạt động đơn vị, trong đó sử dụng tối thiểu 30% phí tham quan để phục vụ cho công tác đầu tư, mua sắm tài sản, bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao nằm cạnh dòng sông Cái, thuộc địa bàn phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Đây là công trình được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo của người Chăm và đã tồn tại hơn 1.200 năm, được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang tổ chức hàng năm được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012.

Còn Hòn Chồng là một thắng cảnh tự nhiên gồm 2 cụm đá lớn nằm sát bờ biển vịnh Nha Trang, cũng thuộc phường Vĩnh Phước, được xếp hạng quốc gia vào năm 1998.

Mỗi năm hai di tích, thắng cảnh này đón hàng chục nghìn du khách đến chiêm ngưỡng, tham quan trong chuyến hành trình du lịch tại Khánh Hòa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục