Tối 29/3, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia và khánh thành Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật.
Dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật được triển khai tại thôn Xuân Nhân, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, nơi đặt lăng mộ, cũng là quê hương của ông và là nơi đặt bản doanh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
Công trình được xây dựng trong khuôn viên rộng trên 11.000m2, bao gồm các hạng mục như đền thờ, bình phong, nghi môn, nhà bia, lăng mộ, phù điêu và các hạng mục phụ trợ đồng bộ, hòa hợp với không gian cảnh quan làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Qua gần 2 năm thực hiện, khu lưu niệm đã được hoàn thành với các hạng mục công trình đồng bộ, khang trang.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn khẳng định Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật được khánh thành và đón Bằng Di tích lịch sử Quốc gia đáp ứng niềm mong mỏi lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Đây là sự ghi nhận, khẳng định những giá trị lịch sử của khu lưu niệm, tri ân và tôn vinh đóng góp của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật và cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
Khu lưu niệm sẽ cùng với hệ thống di tích, nhà tưởng niệm của tỉnh là những địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng, văn hiến cho thế hệ trẻ, góp phần bồi đắp tâm hồn, cốt cách người Hưng Yên, đồng thời kết nối các điểm du lịch, trở thành nguồn lực phát triển của địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý các di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy về Chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Xuân Dục (Mỹ Hào). Ông đỗ Đình nguyên Tiến sỹ, làm đến chức Tán tương quân vụ tỉnh dưới triều Nguyễn. Ông làm quan thanh liêm, công minh và có tài cai trị.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai, nhà Nguyễn đầu hàng, ông kháng lệnh triều đình, quyết tâm đánh Pháp.
Ông tiếp quản lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ Đinh Gia Quế và phát triển cuộc khởi nghĩa từ phạm vi một vài huyện mở rộng ra liên tỉnh, liên vùng và có ảnh hưởng sâu rộng tới các cuộc khởi nghĩa cùng thời ở Bắc kỳ và cả nước.
Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng lĩnh, sỹ phu và tinh thần đoàn kết của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh quyết tâm đánh thực dân Pháp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc./.