Khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ''căng buồm trở lại''

Việc gạt bỏ nhiều bất đồng nhằm đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề là dấu son mới trong nỗ lực của hai nước nhằm đưa mối quan hệ song phương trở lại lộ trình phát triển bình thường.
Khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ''căng buồm trở lại'' ảnh 1 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Tôi đến đây để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, ổn định và lâu dài trong mối quan hệ Trung-Nhật."

Tuyên bố trên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ít nhiều đã khái quát mục đích chuyến thăm chính thức của ông tới Nhật Bản từ ngày 8-11/5, và là một tín hiệu tích cực nữa thể hiện bước cải thiện đáng kể trong mối quan hệ nhiều sóng gió giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á.

Không phải ngẫu nhiên Nhật Bản và Trung Quốc đều nỗ lực đưa quan hệ song phương “căng buồm trở lại” - như đề nghị của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong một bài viết đăng trên báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, khi hai nước kỷ niệm 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương.

Trên thực tế, Tokyo và Bắc Kinh đều trực tiếp “dính đòn” thiệt hại do quan hệ hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba trong năm đảo thuộc quần đảo tranh chấp hiện do Tokyo kiểm soát và gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, hồi tháng 9/2012.

Bên cạnh đó, với vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản đều chịu tác động nặng nề của chính sách bảo hộ thương mại mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang triển khai.

Bởi vậy, ngay trong chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Trung Quốc tới Nhật Bản trong tám năm qua, hai bên đã gạt bỏ nhiều bất đồng nhằm đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề, từ việc thực thi cơ chế liên lạc trên biển và trên không ở Biển Hoa Đông, sắp xếp chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Bắc Kinh vào cuối năm nay và chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Tokyo sau đó, cho tới hợp tác sản xuất phim chung, nhằm tăng cường lòng tin chính trị và thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Chính những kết quả tích cực trên, đạt được trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Abe và người đồng cấp Lý Khắc Cường, là dấu son mới trong nỗ lực của hai nước nhằm đưa mối quan hệ song phương trở lại lộ trình phát triển bình thường.

Có thể nói rằng sau các chuyến công du "ngoại giao con thoi" giữa giới chức hai nước thời gian qua, Trung Quốc và Nhật Bản đang bước vào giai đoạn khởi điểm của quá trình tích lũy sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau để thiết lập mối quan hệ chiến lược mới mà hai bên đều có lợi.

Là hai quốc gia láng giềng, gắn bó lâu đời và đặc biệt là có tầm ảnh hưởng quan trọng trong khu vực và thế giới, hơn ai hết, Nhật Bản và Trung Quốc hiểu rằng việc phát triển mối quan hệ này đi đúng hướng, bền vững và lâu dài không chỉ phù hợp với lợi ích của hai nước mà còn thúc đẩy hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

[Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi thúc đẩy quan hệ Trung-Nhật]

Kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai, dù quan hệ có căng thẳng đến chừng nào thì hai nước cũng đều nỗ lực kiềm chế, tránh những hành động đẩy tình hình đi quá xa, vượt tầm kiểm soát. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo đã và đang làm xói mòn quan hệ, hai bên đã nhất trí thiết lập cơ chế liên lạc trên biển và trên không ở Biển Hoa Đông, đưa vùng biển này trở thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Hai bên cũng cam kết tuân thủ tất cả nguyên tắc trong các văn kiện chính trị cốt yếu, giải quyết thỏa đáng những vấn đề nhạy cảm và thông qua các hành động thực tiễn thể hiện sự đồng thuận chính trị. Động thái này không chỉ phản ánh thiện chí và hướng đi đúng đắn của lãnh đạo hai nước trong việc tạm gác bất đồng để “hâm nóng” mối quan hệ mà còn phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và ngoại giao hiện nay trên thế giới.

Có thể nói việc Nhật-Trung xích lại gần nhau sẽ mang lại cơ hội lớn hơn về mặt kinh tế bởi lâu nay cơ cấu kinh tế của hai nước vẫn mang tính “có đi có lại." Hai nước có quan hệ tương hỗ về kinh tế, là thị trường xuất khẩu chủ lực của nhau, phụ thuộc vào nhau cả về thương mại lẫn đầu tư.

Đối với Trung Quốc, Nhật Bản đang trở thành đối tác chủ chốt không thể bỏ qua khi Bắc Kinh chịu nhiều sức ép do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Với lợi thế địa lý, từ năm 1978, Nhật Bản là một trong số các nước đầu tiên thâm nhập và hưởng lợi từ việc Trung Quốc thực thi chính sách cải cách mở cửa. Để đổi lấy việc tiếp cận một thị trường rộng lớn hơn, Nhật Bản đã chia sẻ với quốc gia láng giềng kinh nghiệm khoa học, công nghệ, kinh doanh và hỗ trợ tài chính.

Dù năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song khi quá trình nâng cấp, chuyển đổi mô hình kinh tế ở Trung Quốc đang bước vào giai đoạn then chốt, Bắc Kinh vẫn rất cần sự hỗ trợ của Tokyo trong việc phát triển lĩnh vực tài chính, đổi mới và chế tạo công nghệ cao.

Trong khi đó, sau năm năm áp dụng mô hình “Kinh tế học Abe” (Abenomics) với ba mục tiêu chính là nới lỏng tiền tệ, kích thích tài chính và cải cách cơ cấu, dù đã có một số cải thiện rõ rệt, song kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thể đối phó với những thay đổi diễn ra nhanh chóng trên thế giới. Thị trường rộng lớn của Trung Quốc vẫn là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản, trong khi Nhật Bản là một trong năm đối tác lớn nhất của Trung Quốc.

Thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, riêng trong quý 1/2018, kim ngạch thương mại song phương đã tăng tới hơn 10%, lên mức trên 76 tỷ USD, còn thặng dư thương mại giảm gần 15% xuống còn 8,31%. Doanh thu từ lượng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản cũng đạt mức cao nhất trong số các nước và vùng lãnh thổ. Đó là chưa kể, một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới chắc chắn sẽ mang lại “sự thăng hoa” trong hợp tác kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại đang hiện hữu do Washington đe dọa áp thuế bổ sung đối với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu, trong đó Tokyo và Bắc Kinh là đối tác chịu ảnh hưởng lớn.

Về phía Nhật Bản, việc hòa hoãn và tạo ra dấu ấn trong mối quan hệ với Trung Quốc được coi là “một mũi tên trúng nhiều đích” không chỉ về mặt kinh tế mà còn về chính trị, ngoại giao. Sau loạt vụ bê bối đang gây tổn hại ít nhiều đến uy tín cá nhân và đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đang triển khai chính sách đối ngoại tích cực nhằm lấy lại vị thế để chuẩn bị cho cuộc đua vào chức chủ tịch LDP.

Bên cạnh đó, Tokyo cũng thừa hiểu rằng một khi tạo dựng được mối quan hệ tốt với Bắc Kinh - nước có vai trò quan trọng trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản có thể củng cố vị thế của mình trong khu vực, đặc biệt là trong vấn đề Triều Tiên. Và mục đích này đã ít nhiều đạt được khi hai nước đều nhất trí giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước.

Cũng phải khẳng định rằng dù đang “xuôi chèo mát mái” trong thời gian gần đây, song mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc chưa hoàn toàn nồng ấm. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và gay gắt như hiện nay, Nhật-Trung không dễ gì nhượng bộ trong những vấn đề lợi ích cốt lõi, đó là chưa kể một loạt mâu thuẫn phức tạp thuộc về lịch sử khó có thể hóa giải trong “một sớm một chiều," thậm chí lúc nào cũng có thể bùng nổ.

Do đó, để có thể duy trì môi trường hòa bình và ổn định và lâu dài trong khu vực, tạo điều kiện phát triển kinh tế, hợp tác giải quyết các thách thức chung, Nhật Bản và Trung Quốc cần tiếp tục cải thiện quan hệ thực chất thông qua đối thoại chân thành và xử lý thận trọng các vấn đề nhạy cảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục