Khỉ nhân bản vô tính cho thấy hạn chế của một công nghệ gây tranh cãi dữ dội

Retro thuộc nhóm linh trưởng thứ hai mà các nhà khoa học đã nhân bản thành công. Nhóm tạo ra Retro cũng từng tạo ra hai con khỉ đuôi dài hồi năm 2018.

Retro là con khỉ vàng đã được các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra bằng phương thức nhân bản vô tính. (Nguồn: CNN)
Retro là con khỉ vàng đã được các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra bằng phương thức nhân bản vô tính. (Nguồn: CNN)

Retro là tên gọi của một chú khỉ được tạo ra bằng phương pháp nhân bản vô tính vào ngày 16/7/2020. Chú khỉ này hiện đã hơn 3 tuổi, rất khỏe mạnh và phát triển tốt, như nhận xét của Falong Lu, một trong những tác giả của bài viết khoa học gây chú ý đăng trên tạp chí Nature Communications vào đầu tuần này.

Retro thuộc nhóm linh trưởng thứ hai mà các nhà khoa học đã có thể nhân bản thành công. Nhóm tạo ra Retro cũng chính là nhóm từng công bố công trình nghiên cứu hồi năm 2018 về việc tạo ra hai con khỉ đuôi dài bằng phương thức nhân bản vô tính và chúng vẫn còn sống cho tới tận giờ.

Lu là một nhà nghiên cứu làm việc tại Phòng thí nghiệm Trọng điểm Nhà nước về Sinh học Phát triển Phân tử và Viện Di truyền và Sinh học Phát triển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ông cho biết: "Chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra những con khỉ vàng vô tính đầu tiên còn sống và khỏe mạnh. Đây là một bước tiến lớn tới mục tiêu biến cái không thể thành có thể, dù hiệu quả vẫn còn thấp so với phôi tạo ra qua thụ tinh thông thường”.

Động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính trên thế giới là cừu Dolly. Sinh vật này được tạo ra vào năm 1996 bằng cách ứng dụng một kỹ thuật gọi là chuyển nhân tế bào soma, hay SCNT. Trong đó, các nhà khoa học về cơ bản đã xây dựng lại kết cấu của một quả trứng chưa được thụ tinh thông qua việc kết hợp một nhân tế bào soma (không phải từ một tinh trùng hoặc trứng) với một quả trứng đã bị loại bỏ nhân.

Kể từ đó, các nhà khoa học đã nhân bản vô tính nhiều loài động vật có vú, bao gồm lợn, bò, ngựa và chó. Nhưng quá trình nhân bản vô tính thường không ổn định, có lúc thành công, lúc lại thất bại. Thường chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ phôi được chuyển vào vật mang thai sẽ phát triển bình thường và trở thành sinh vật sống.

Miguel Esteban, nhà nghiên cứu chính đang làm việc tại Viện Y sinh và Y tế Quảng Châu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết: “Một mặt thì nhân loại đã đạt được nhiều tiến bộ sau Dolly, khi nhiều loài động vật có vú đã được nhân bản vô tính. Nhưng mặt khác, hiệu suất thấp (của hoạt động nhân bản vô tính) vẫn là một trở ngại lớn”. Esteban không tham gia vào cuộc nhân bản khỉ vàng, nhưng đã hợp tác với một số thành viên của nhóm trong các nghiên cứu khác về linh trưởng.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc, với các nhà khoa học tới từ Thượng Hải và Bắc Kinh, đã sử dụng một kỹ thuật SCNT sửa đổi trong nghiên cứu của họ với những con khỉ đuôi dài (macaca fascicularis) hồi năm 2018. Họ tiếp tục cải tiến kỹ thuật này hơn nữa để nhân bản khỉ vàng (macaca mulatta).

Sau hàng trăm nỗ lực nhân bản thất bại, họ nhận ra rằng ở những phôi ban đầu, màng ngoài - nơi hình thành nhau thai - không phát triển bình thường. Để giải quyết vấn đề này, họ đã thực hiện một quá trình gọi là cấy ghép khối tế bào bên trong, bao gồm việc đưa các tế bào bên trong đã được nhân bản vào phôi không được nhân bản. Theo Esteban, điều này cho phép phôi nhân bản vô tính phát triển bình thường.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật mới bằng cách sử dụng 113 phôi đã qua quá trình chỉnh sửa. 11 phôi trong số này tiếp tục được cấy vào 7 vật mang thai. Tuy nhiên cuối cùng chỉ có 1 vật mang thai sinh hạ con khỉ vô tính duy nhất.

“Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn thêm những bất thường cần khắc phục. Các chiến lược nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công của kỹ thuật SCNT trên loài linh trưởng vẫn là trọng tâm chính của nhóm trong tương lai”, Lu nói.

Hai con khỉ nhân bản đầu tiên là Zhong Zhong và Hua Hua hiện đã hơn 6 tuổi. Chúng vẫn đang sống rất khỏe mạnh với đồng loại. Lu cho biết cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào có thể gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của khỉ nhân bản.

Zhong Zhong và Hua Hua thường được truyền thông mô tả là những con khỉ nhân bản đầu tiên. Tuy nhiên, CNN cho biết thực tế người ta từng nhân bản một con khỉ vàng vào năm 1999, bằng cách sử dụng phương pháp đơn giản hơn. Trong trường hợp đó, các nhà khoa học đã chia đôi một phôi tự nhiên - giống như những gì xảy ra ngoài tự nhiên khi các cặp song sinh giống hệt nhau phát triển trong bụng mẹ.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc nhân bản thành công khỉ vàng có thể giúp đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu y sinh, bởi việc xem xét các thử nghiệm trên chuột thí nghiệm có nhiều hạn chế.

Theo báo cáo của một hội đồng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Trung Quốc công bố hồi tháng 5 năm nay, nghiên cứu về các loài linh trưởng gần gũi với con người đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra các tiến bộ y tế có khả năng cứu mạng người, bao gồm cả việc tạo ra vắcxin chống lại dịch COVID-19.

Tuy nhiên việc sử dụng khỉ trong nghiên cứu khoa học là một vấn đề gây tranh cãi, nhất là tại các nước phương Tây, vì những lo ngại về mặt đạo đức đối với động vật. Nhóm nghiên cứu cho biết họ tuân theo luật pháp và hướng dẫn của Trung Quốc về việc sử dụng động vật linh trưởng không phải là con người trong các thử nghiệm.

Esteban cho biết việc tạo thành công khỉ vô tính có thể chứa những giá trị hữu ích. “Nghiên cứu này là bằng chứng về nguyên tắc rằng chúng ta có thể nhân bản vô tính các loài linh trưởng không phải con người và mở ra cơ hội để nâng cao hiệu suất nhân bản. Khỉ nhân bản có thể được biến đổi gene theo những cách phức tạp mà khỉ hoang dã không thể làm được. Điều này có nhiều ý nghĩa trong việc nghiên cứu mô hình bệnh tật. Ngoài ra nó còn chứa lợi ích trong việc bảo tồn loài,” Esteban cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục